Ngọt ngào mùa quýt Bắc Sơn

06:11' - 05/01/2017
BNEWS Mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, một trong những loại quả đặc sản của Lạng Sơn được nhiều người tìm mua là quýt Bắc Sơn.

Mỗi kg quýt Bắc Sơn có thể lên đến 40 nghìn đồng vào những ngày giáp Tết. Đây là loại quả đặc sản giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo trong nhiều năm qua.

Quýt Bắc Sơn được trồng rải rác trên toàn huyện nhưng tập trung nhiều nhất tại các xã Nhất Tiến, Vũ Lễ, Nhất Hòa huyện Bắc Sơn. Quýt Bắc Sơn có hai loại quả tròn và quả dẹt, tùy theo đặc điểm thổ nhưỡng của nơi trồng.

Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, dóc vỏ, ít sơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng 80-150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả. Quýt quả dẹt có hai đầu lõm, hình hơi dẹt, khi chín có màu vàng ươm, vỏ dày hơn, khó bóc, vị chua và cũng ít sơ. Trọng lượng quả trung bình 100–150g.

Ông Bàn Phúc Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhất Tiến cho biết: Trên địa bàn xã hiện có hơn 10.000 gốc quýt, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 500 tấn quả. Đây là loại cây trồng đặc sản có lợi ích kinh tế cao, phù hợp với địa hình nhiều đồi núi xen kẽ của xã nên từ lâu chúng tôi đã khuyến khích và vận động bà con trồng làm cây xóa đói giảm nghèo.

Tại xã có 836 hộ thì có hơn 20% số hộ dân trồng quýt Bắc Sơn và diện tích tiếp tục được mở rộng. Hiện nay quýt được thương lái thu mua với giá khoảng 15.000 đến 20.000 đồng/kg, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán giá có thể lên đến 30.000 đồng hoặc 40.000 đồng/kg.

Quýt vàng Bắc Sơn được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao… ở đây. Mùa quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau. Sản phẩm quýt Bắc Sơn chủ yếu được bán cho các thương lái đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, các vùng lân cận và chợ. Quýt Bắc Sơn ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, thích hợp với thời tiết lạnh và khô nên sinh trưởng tốt nhất trong các khe núi, thung lũng thuộc vùng núi đá, độ cao 500 – 700 m so với mực nước biển.

Vùng núi Bắc Sơn sở hữu đất đai tương đối màu mỡ, chủ yếu là đất feralit nâu đỏ hoặc màu vàng nên là nơi hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để tạo ra thứ quýt ngon với hương vị thanh mát hiếm có.

Để đến được vườn quýt của ông Triệu Tiến Ngân, thôn Tiến Sơn, một trong những hộ gia đình trồng quýt lớn nhất của xã Nhất Tiến, phải đi qua 4 dốc núi và 3 thung lũng với hơn 2 giờ đi bộ. Ông Triệu Tiến Ngân có hơn 700 cây quýt được trồng từ hơn 10 năm trước, mỗi cây trưởng thành cao khoảng 5m, trồng cây khoảng 5-6 năm mới bói quả, trọng lượng quả trung bình từ 100 đến 150gam.

Ông Triệu Tiến Ngân cho biết: Mỗi kg quýt bán tại vườn dao động từ 13.000 đến 17.000 đồng tùy theo chất lượng quả. Nếu muốn được giá phải thuê người hái và gánh từ trong vườn mang về nhà giao cho thương lái với giá từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. Người hái và gánh quýt chủ yếu là phụ nữ trong thôn tận dụng thời gian nông nhàn. Một người khỏe mạnh có thể gánh được 70 kg quýt trèo qua các dốc núi trong 2 tiếng và một ngày gánh được 2 đến 3 lượt với tiền công là 1.000 đồng/kg.

Với 700 cây quýt, ông Ngân có thu nhập khoảng 600 triệu đồng một năm sau khi trừ chi phí, cho thu nhập gấp 10 lần trồng lúa. Gia đình ông dự định sang năm tới sẽ tập trung vào trồng quýt với mong muốn phát triển vườn quýt lên 1.000 cây. Nhờ trồng quýt, gia đình ông Ngân đã thoát nghèo và vươn lên trở thành một trong những hộ giàu có nhất trong thôn.

Cũng như nhà ông Ngân, gia đình anh Hoàng Văn Sơn ở xã Vũ Lễ cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ 400 cây quýt. Do phải trồng trong thung lũng xa nhà, đất trồng quýt chia nhỏ thành nhiều vườn theo địa hình nên vận chuyển vất vả và khó tìm người thuê gánh.

Gia đình anh Sơn chọn phương thức bán khoán cả vườn cho thương lái ngay từ đầu năm. Theo đó, các thương lái sẽ đến ước lượng khả năng ra quả, sản lượng của các vườn quýt trong năm tới và mua đứt toàn bộ sản lượng quýt năm sau ngay từ đầu vụ, người chủ chỉ việc trông coi và chăm sóc vườn quýt chứ không còn lo lắng về chuyện mất mùa, được mùa hay thu hoạch, buôn bán.

Anh Triệu Văn Trác, chủ thương lái tại thành phố Lạng Sơn cho biết: Quýt Bắc Sơn luôn được thị trường ưa chuộng, ra đến đâu bán hết đến đấy nên thương lái chúng tôi thường phải đặt hàng trước, thậm chí mua đứt cả vườn từ đầu năm và đặt cược được thua vào sản lượng của vườn khi đến mùa thu hoạch. Việc trông coi và chăm sóc quýt thương lái hoàn toàn yên tâm giao cho chủ vườn vì người dân nơi đây rất thật thà và loại cây này cũng không mất quá nhiều công sức để chăm sóc. Hơn nữa, quýt thường được trồng trong các thung lũng sâu trong các dãy núi, chỉ có thể vận chuyển ra ngoài bằng cách gánh gồng đi bộ hàng km.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn, hiện toàn huyện có hơn 500 ha quýt. Quýt Bắc Sơn được thị trường ưa chuộng và đem lại lợi ích kinh tế cao nên thời gian gần đây người dân đã học tập nhau trồng quýt, mở rộng diện tích trồng mỗi năm. Hiện cây quýt đang là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục