Ngư dân miền Trung hiện đại hóa tàu đánh bắt xa bờ bằng tàu composite

17:57' - 26/09/2017
BNEWS Hơn 3 năm thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã giúp ngư dân nhiều tỉnh miền Trung hiện đại hóa đánh bắt hải sản xa bờ bằng đội tàu composite.
Tàu cá composite được ngư dân miền Trung ưa chuộng do hoạt động ổn định, độ bền cao, đi biển an toàn trong khi chi phí sửa chữa thấp. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Tỉnh Khánh Hòa là Trung tâm đóng và sửa chữa tàu cá composite của khu vực miền Trung, khi có 5 cơ sở đạt chuẩn, với công suất hàng trăm chiếc mỗi năm.

Trong đó Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy (UninShip) thuộc Trường Đại học Nha Trang là cơ sở đóng nhiều tàu cá composite nhất cho ngư dân miền Trung.

Chỉ tính riêng tàu cá composite loại dài 24m, đến ngày 26/9, UninShip đã hạ thủy 22 tàu, trong đó ngư dân các tỉnh: Bình Định đóng 6 tàu, Phú Yên 4 tàu, Khánh Hòa 5 tàu...
Tàu cá composite loại này được ngư dân ưa chuộng nhất, do trang bị hệ thống thiết bị khai thác rất hiện đại như: máy dò ngang, máy dò đứng, ra đa tầm quét 72 hải lý; có 8 hầm cách nhiệt bảo quản hải sản; hoạt động liên tục trên biển trong 40 ngày nên thuận lợi để làm nghề lưới vây, lưới rê, mành chụp.
Bên cạnh đó, ngư dân ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… chọn đóng tàu composite loại dài 19m, 21m và trên 26m để làm nghề câu cá ngừ đại dương, lưới vây và dịch vụ hậu cần.

Ông Phan Tuấn Long, Viện phó UninShip cho biết, việc hiện đại hóa tàu composite đã giúp ngư dân thu lãi nhiều hơn trong mỗi chuyến biển. Một số chủ tàu còn trả được vốn vay trước thời hạn.
Hiện nay, ngư dân Khánh Hòa có đội tàu cá composite nhiều nhất cả nước với 18 tàu được đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/NĐ-CP.

Ngư dân Nguyễn Văn Tính, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang, vừa đóng tàu cá composite dài 28m với kinh phí 18 tỷ đồng cho biết, tàu composite được trang bị thiết bị hiện đại giúp ngư dân đi biển được dài ngày và an toàn hơn, công nghệ bảo quản giúp nâng cao chất lượng hải sản, qua đó làm tăng giá trị cho mỗi chuyến biển.
Ngành thủy sản nhiều tỉnh miền Trung cũng đang khuyến khích ngư dân phát triển đội tàu cá composite đánh bắt xa bờ.

Bên cạnh trang thiết bị hiện đại, tàu cá composite còn có ưu điểm như: chi phí sửa chữa thấp, hoạt động ổn định, độ bền cao đến hơn 30 năm, đi biển an toàn, dễ đưa tàu lên bờ để bảo dưỡng, dễ tạo dáng, tiết kiệm nhiên liệu…

Theo UninShip, số lượng tàu cá composite sản xuất ở Việt Nam từ năm 2014 - 2017, đã nhiều hơn số tàu cùng loại ra đời trong 25 năm trước đó./.
Xem thêm:

>>>Bình Thuận đề nghị bổ sung thêm 50 tàu cá theo Nghị định 67

>>>Khánh Hòa kiểm tra các cơ sở đóng tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục