Ngư dân Nghệ An vãn gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm

10:21' - 16/09/2016
BNEWS Mặc dù hoạt động nghề biển của ngư dân Nghệ An đã dần trở lại ổn định nhưng khâu tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của vụ cá chết tại các tỉnh miền Trung.
Hoạt động đánh bắt cá tại vùng biển Nghệ An còn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: TTXVN

Với 83 km bờ biển, ngành khai thác thủy sản đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội của Nghệ An. Sau rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của vụ cá chết tại các tỉnh miền Trung vừa qua và sau hơn hai tháng Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết, hoạt động nghề biển của ngư dân đã và đang dần đi vào ổn định.

Ông Trần Văn Đồng (47 tuổi) ở tổ Quyết Thắng, xã Diễn Bích (huyện Diễn Châu) với 34 năm gắn bó với biển, đi biển từ năm 13 tuổi cho biết, ban đầu là theo cha, theo ông “học việc” giờ ông đã trở thành ông chủ của 1 đôi tàu, với 9 thuyền viên/thuyền. Nhìn về phía những con tàu đang “ngủ”, ông Đồng chia sẻ: “Biển không yên nên đây là thời điểm khó khăn nhất đối với những ngư dân bám biển…”.

Ông Đồng buồn rầu: “Cá chết từ Hà Tĩnh trở vào nhưng đã ảnh hưởng rất lớn đến Nghệ An. Ngư dân đánh bắt về, hải sản không bán được. Mà có bán được thì giá cũng rất bèo bọt. Trước bán được giá 10 thì nay chỉ bán được 5, thậm chí 3 cũng phải bán. Trong khi đó, mỗi lần đi biển vẫn phải chi phí tiền dầu, lương thuyền viên. Vì thế cầm lỗ nên đời sống ngư dân rất khó khăn”.

Chung câu chuyện, vợ ngư dân Đồng cho biết: “Trước tàu về bến, chỉ mấy tiếng là cả tàu cá đã bán hết veo. Để bán được cá, chúng tôi đã phải chở hải sản đi sang các tỉnh bạn như Thanh Hóa nhưng cũng bị ép giá”.

Ngư dân Trần Văn Đồng cũng cho rằng, điều cản trở nhất đối với ngư dân Diễn Bích là lạch Vạn quá cạn. Vì thế từ cuối tháng 9 trở đi, tàu thuyền không thể về Lạch Vạn được mà phải đi lạch khác để tiêu thụ như: Cửa Lò, Cửa Hội, lạch Quèn, thậm chí là ra Thanh Hóa. Do Lạch Vạn cạn nên năm 2015 nhiều tàu đi đánh bắt về trong lúc chờ nước lên để vào Lạch Vạn đã bị sóng đánh vỡ thiệt hại hàng tỷ đồng.

Khó khăn là thế nhưng ngư dân Đồng vẫn lạc quan: “Hiện biển đã tạm yên ổn, tạm thời ngư dân đang leo từ từ… từng nấc một. Biển không chỉ cho tôm, cá mà đối với ngư dân biển còn là chủ quyền và là máu thịt mà cha ông đã đánh đổi để giữ lại. Nên dẫu có khó khăn như thế nào đi nữa chúng tôi vẫn chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ nghề biển”.

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích Thạch Đình Nghĩa cũng chia sẻ: lạch Vạn cạn nên ngư dân ra vào đều phải phụ thuộc vào con nước. Lạch cạn không vào được nên đi đánh bắt về họ phải đi các lạch khác tiêu thụ nên thiệt hại rất lớn vì mất chi phí bến bãi, hải sản bị ép giá… Đây không chỉ là thiệt hại của ngư dân mà còn thiệt hại cho tỉnh Nghệ An.

Theo nhiều ngư dân ở Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích, ngoài việc khó khăn trong việc tiêu thụ hải sản thì nhiều phương tiện trên tàu thuyền đánh bắt của họ cũng rất lạc hậu. Điều này khiến ngư dân chưa yên tâm khi vươn khơi.

“Đối chiếu với các chỉ tiêu của nhà nước thì hiện thiết bị trên tàu của chúng tôi rất thiếu chỉ có bộ đàm để liên lạc. Vì vậy, đi đánh bắt chỉ bằng kinh nghiệm, phụ thuộc vào may mắn nên kết quả cũng phập phù. Trong khi ở các nước tiên tiến họ có máy dò nên việc đánh bắt rất hiệu quả."

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích Thạch Đình Nghĩa cho biết, sau hai năm hoạt động với sự hỗ trợ của nghiệp đoàn, ngư dân đã năng động, cần cù đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ biển.

“Nguyện vọng của đoàn viên nghiệp đoàn là mong muốn có sự quan tâm hơn nữa của nhà nước. Cụ thể như tiếp tục cho ngư dân vay vốn để sửa chữa, đóng mới tàu thuyền; hỗ trợ nạo vét lạch Vạn tạo điều kiện cho tàu thuyền ra vào thuận lợi. Điều này sẽ giúp ngư dân yên tâm bám biển vươn khơi” - ông Nghĩa nói.

Hiện nay, huyện Diễn Châu đã thực hiện hỗ trợ ngư dân 20 triệu đồng/tàu đóng mới trên 90CV và một số chính sách khác như đóng bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm cho thuyền viên nghiệp đoàn nghề cá.

Với trên 4.000 tàu tham gia khai thác, nghề biển đã và đang giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Với những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời sẽ là nguồn động lực khích lệ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục