Người dân Canada lo ngại về gian lận thành phần thực phẩm

15:59' - 23/02/2017
BNEWS Người tiêu dùng Canada, nhất là những người mắc bệnh dị ứng đang lo ngại về các loại thực phẩm trên thị trường có thành phần không đúng như ghi trên nhãn mác.

Đây là kết quả cuộc khảo sát vừa được thực hiện tại Canada bởi nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Dalhousie, vùng Halifax ở nước này.

Kết quả cuộc khảo sát cho biết, có tới 63% số người được hỏi thừa nhận họ cảm thấy lo ngại về sự gian lận thành phần thực phẩm. Nhiều người trong số họ thuộc nhóm kiêng cữ với một số thành phần thực phẩm, nhưng đã bị di ứng khi mua dùng những thực phẩm có ghi nhãn không chứa thành phần gây dị ứng.

Theo người đứng đầu nhóm nghiên cứu Sylvain Charlebois, nguyên nhân có thể do người bị dị ứng ăn phải thực phẩm dán nhãn sai, trong đó có thành phần gây dị ứng, song lại không được thể hiện trên nhãn sản phẩm.

Ông Charlebois cho rằng, điều này gây tác hại nghiêm trọng đối với sức khoẻ người sử dụng khi họ không biết để phòng tránh mà chủ yếu dựa vào thông tin nghi trên nhãn sản phẩm.

Ông Charlebois cũng cho rằng, việc gian lận thành phần thực phẩm là hành vi có động cơ trục lợi và thường được thực hiện để làm tăng giá bán hoặc giảm chi phí sản xuất của sản phẩm.

Giám đốc truyền thông của Tổ chức Dị ứng thực phẩm Canada (FAC), bà Beatrice Povolo cho biết, danh sách thành phần có trong sản phẩm là “thông tin sống còn” đối với những người bị dị ứng thực phẩm, đòi hỏi phải chính xác, trung thực và hoàn chỉnh.

Những người bị các chứng dị ứng thực phẩm chỉ biết trông cậy vào danh sách đó để quyết định những sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Canada cho rằng, khó có thể tránh việc trở thành nạn nhân của những trò gian lận như vậy.

Cơ quan Kiểm định Thực phẩm Canada (CFIA) cho biết, đơn vị này nhận được trung bình 40 khiếu nại/năm về việc thành phần thực phẩm bị ghi sai hoặc ghi thiếu.

CFIA đã tiến hành xác minh và kết luận rằng, những lo ngại của người sử dụng bao gồm các sản phẩm thiếu trọng lượng, thay thế thành phần, có những tuyên bố sai hoặc gây hiểu lầm về sản phẩm.

Theo ông Larry Olmsted - tác giả cuốn sách “Real Food Fake Food” (Thực phẩm thật - thực phẩm giả), dầu ô-liu là ví dụ điển hình của sản phẩm chứa những thành phần không được liệt kê và đôi khi có chứa dầu đậu phộng hoặc đậu nành đều là chất gây dị ứng.

Hải sản cũng là nhóm thực phẩm dễ bị gian lận vì khó truy nguồn gốc xuất xứ và khó phân biệt giữa các loài cá một khi đã được chế biến. Điều này có thể gây rắc rối cho những người bị dị ứng với một số loại hải sản.

Để giảm thiểu hậu quả do gian lận thành phần thực phẩm, ông Olmsted cho rằng người tiêu dùng nên mua sản phẩm càng gần với dạng tự nhiên càng tốt, đồng thời tạo thói quen hạn chế mua thực phẩm đã qua nhiều khâu chế biến, vì các sản phẩm như vậy khó giấu những thành phần không mong muốn.

Chẳng hạn nên mua cà phê hạt thay vì cà phê xay sẽ giúp những người bị dị ứng phòng trừ được sản phẩm có khả năng chứa các chất phụ gia có hại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục