Người dân loay hoay vực lại sản xuất sau khi lũ đi qua

10:18' - 23/10/2017
BNEWS Là hộ thuần nông chỉ trông vào mấy sào ruộng nên sau khi lũ rút, nhiều gia đình tại Thanh Hóa đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nước lũ lên quá nhanh nên nhiều hộ đã không kịp thu hoạch lúa vụ Hè thu. Ảnh minh họa: Hoa Mai - TTXVN

Sau hơn 10 ngày bị nước lũ nhấn chìm, đến nay, trên địa bàn xã Thạch Định, Thạch Thành (Thanh Hóa) nước lũ đã rút gần hết. Các hộ dân sau nhiều ngày di chuyển đến nơi an toàn đã trở về dọn dẹp nhà cửa và khắc phục hậu quả sau lũ.

Tuy nhiên, toàn bộ tài sản, hoa màu đã bị dòng nước lũ cuốn trôi, nên hiện nay đời sống của nhân dân nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cánh đồng của xã Thạch Định sau khi nước rút tan hoang và ngập ngụa bùn đất. Nước lũ lên quá nhanh nên nhiều hộ đã không kịp thu hoạch lúa vụ Hè thu. Diện tích lúa chưa thu hoạch kịp sau khi nước rút đã mọc mầm và đổ dập, gần như mất trắng hoàn toàn…

Tuy nhiên, tranh thủ nước rút và thời tiết nắng ráo, nhiều hộ đã huy động lực lượng thu hoạch diện tích lúa bị hư hỏng để giải phóng đất đai, chuẩn bị sản xuất thời gian tới.
Chị Nguyễn Thị Hảo, thôn Tiến Thành, xã Thạch Định cho biết: với 9 sào lúa đã đến kỳ thu hoạch, nhưng do lượng mưa quá lớn, nước lũ lên nhanh nên gia đình chị chỉ kịp thu hoạch được 4 sào, còn lại 5 sào ruộng đã bị nước lũ nhấn chìm. Không những thế, số lúa kịp thu hoạch về do không được phơi phóng nên đã bị mọc mầm hoàn toàn.

Là hộ thuần nông chỉ trông vào mấy sào ruộng nên sau khi lũ rút, gia đình chị đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện chồng chị đã phải đi làm xa để có tiền gửi về cho gia đình trang trải cuộc sống, vượt qua thời điểm khó khăn này.
Không riêng gia đình chị Hảo, hiện tại người dân vùng “rốn lũ” Thạch Định, Thạch Thành cũng đang loay hoay tìm hướng đi để tiếp tục duy trì và ổn định cuộc sống. Là xã thuần nông nên người dân sống chủ yếu dựa và cây lúa và cây mía, tuy nhiên cơn lũ dữ đi qua đã cuốn đi nhiều diện tích lúa, hoa màu và hàng trăm héc-ta mía chỉ 2 tháng nữa là đến kỳ thu hoạch đã bị chết ngọn, mọc mầm, mọc nhánh, không còn giá trị về kinh tế.

Thời điểm sản xuất vụ đông đã qua, diện tích đất trồng hoa màu vẫn đang bị ngập, chưa được giải phóng, hệ thống kênh mương và đập thủy lợi bị phá hỏng song chưa được sửa chữa kiên cố, người dân nơi đây đang loay hoay chưa biết làm gì để vực dậy sản xuất, ổn định đời sống.

Nhiều hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn cũng “khóc ròng” vì hàng trăm con lợn đến thời điểm xuất chuồng đã trôi theo dòng nước lũ. Số gia súc kịp vớt được cũng đang lâm vào tình trạng nhiễm bệnh, khó có khả năng phục hồi. Người dân đang rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đoàn thể để ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất…
Anh Ngô Văn Sơn, thôn Định Cát, Thạch Định, Thạch Thành cho biết: Gia đình anh đầu tư trang trại chăn nuôi lợn với quy mô khoảng 200 con lợn thịt, đợt mưa lũ vừa qua gia đình anh có hơn 100 con lợn thịt đến thời điểm xuất chuồng bị chết do không kịp di chuyển.

Gần 100 con còn lại, mặc dù gia đình anh đã tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và có chế độ chăm sóc đặc biệt, nhưng đến nay đàn lợn đang có dấu hiệu bỏ ăn, nhiễm bệnh, khó có khả năng phục hồi. Hiện tại, gia đình anh Sơn đang gặp rất nhiều khó khăn và đang rất cần sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước để sớm vực dậy sản xuất.
Ông Phạm Lâm Đồng, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Định cho biết: trận mưa lũ vừa qua trên địa bàn xã đã chịu nhiều thiệt hại về lúa, hoa màu và tài sản.

Theo đó, hơn 200 tấn lúa đã kịp thu hoạch chạy lũ, nhưng do không được phơi nên đã bị mọc mầm, 15 ha lúa chưa kịp thu hoạch đã bị bùn đất nhấn chìm, không còn giá trị về kinh tế; 30 ha rau màu các loại bị thiệt hại; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị dòng nước lũ cuốn trôi. Hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng nặng và ngập chìm trong nước.

Hơn 4 km đê kè sau nhiều ngày bị ngâm trong nước bị tụt mái, lồng mang ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân sắp tới…
Hiện nay, chính quyền xã Thạch Định đang nỗ lực, dốc toàn bộ lực lượng để giúp nhân dân ổn định cuộc sống và sản xuất sau bão. Địa phương đang tập trung ưu tiên cho vấn đề xử lý môi trường, tiêu độc khử trùng, thu gom rác thải đọng lại sau lũ. Theo đó, 100% nước giếng khơi trên địa bàn đã được xử lý kịp thời, đảm bảo cho người dân có nguồn nước sạch để uống và sinh hoạt; ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Sau lũ, toàn bộ diện tích cỏ cho đàn gia súc, hoa màu đều bị chết, nên nguồn thức ăn cho đàn gia súc rất khan hiếm, địa phương đang phối hợp với các xã lân cận thu mua cỏ giống cung ứng cho nhân dân trồng kịp thời để giải quyết nguồn thức ăn cho gia súc trước khi mùa đông tới.

Bên cạnh đó, UBND xã chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân nước rút đến đâu kịp thời giải phóng đất màu để trồng các cây ngắn ngày phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm trước mắt cho nhân dân…/.

>>> Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ tại Thanh Hóa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục