Người dân Nga bớt lo hơn sau hai năm khủng hoảng kinh tế

19:27' - 19/11/2016
BNEWS Sau hai năm kể từ khi diễn ra khủng hoảng, tâm lý lo ngại mất việc hay giảm thu nhập của người dân Nga đã giảm bớt.
Người dân Nga bớt lo hơn sau hai năm khủng hoảng kinh tế. Ảnh minh họa: TASS
Sau hai năm kể từ khi diễn ra khủng hoảng, thu nhập của người dân Nga giảm 14%, lương giảm 7,4% và 22% dân số tự coi là người nghèo. Tuy nhiên, tâm lý lo ngại mất việc hay giảm thu nhập của người dân nước này cũng giảm bớt. 
Theo báo cáo tổng kết hai năm khủng hoảng của Trường Kinh tế Cao cấp có tiêu đề “Người dân Nga 2016: Thu nhập, chi phí và tâm thái xã hội”, tháng 9/2016 là tháng thứ 23 liên tiếp thu nhập thực tế của người dân bị giảm. So với tháng 10/2014, chỉ số này giảm 14%. 
Dù thu nhập giảm, song tỷ lệ người nghèo của Nga lại ổn định. Số người dân đánh giá tình hình tài chính của gia đình là xấu và rất xấu (nghèo theo động thái tự đánh giá tình hình tài chính) chiếm 22%. 
Tuy vậy, báo cáo của Trường Kinh tế Cao cấp ghi nhận sự đánh giá tích cực hơn về tình trạng tài chính và tiêu dùng từ phía người dân, bất chấp trong hai năm qua chưa có được các cải thiện đáng kể. Theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu công luận toàn Nga, chỉ số lo sợ ở tất cả các chỉ số (mất việc làm, giảm thu nhập, không đủ khả năng mua thực phẩm) đều giảm. Nhìn chung, tâm trạng của người dân Nga là “cảm thấy bình thường”. 
Trước đó, tờ Financial Times cho biết Chính phủ Nga đang dự kiến cắt giảm ngân sách trong 3 năm tới do phải đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách mạnh, trong bối cảnh giá dầu trên thế giới giảm sâu và kinh tế trong nước suy thoái. Theo đó, Nga dự kiến cắt giảm 27% chi tiêu của năm 2017, trong đó những lĩnh vực bị cắt giảm mạnh gồm y tế, giáo dục và thậm chí cả chi tiêu quốc phòng. 
Chính phủ Nga đưa ra dự báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2016 của nước này sẽ giảm 0,6%, năm thứ 3 liên tiếp có mức tăng trưởng âm. Tuy nhiên, dự kiến kinh tế Nga năm 2017 có thể sẽ phục hồi và tăng trưởng 0,6%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục