Người làm nên thương hiệu chè Mạc Điền

20:18' - 13/02/2016
BNEWS Những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, nhà anh Nguyễn Cảnh Tuấn, xóm 4, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) tấp nập người tới đặt mua chè Mạc Điền.
Người làm nên thương hiệu chè Mạc Điền. Ảnh minh họa: TTXVN

Để xây dựng thương hiệu chè Mạc Điền như ngày hôm nay là cả quá trình quyết tâm, cố gắng của người thanh niên trẻ Nguyễn Cảnh Tuấn.

Xã Hùng Sơn là địa phương trồng chè lớn nhất huyện Anh Sơn với 457 hộ gieo trồng chè trên diện tích 510ha. Nhiều năm nay, mặc dù có nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng việc tiêu thụ chè lại gặp khó khăn, giá thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế cao. 70% sản lượng chè tươi xã Hùng Sơn chủ yếu cung cấp cho Nhà máy chế biến chè Hùng Sơn đóng trên địa bàn, còn lại là do người dân tự tiệu thụ.

Vì vậy, mong muốn xây dựng thương hiệu chè sạch cho quê hương luôn ấp ủ trong tâm trí của anh Nguyễn Cảnh Tuấn.

Năm 2013, từ một chuyến đi thực tế về đất chè Thái Nguyên, Tuấn đã hình thành ý tưởng về một sản phẩm chè sạch, mang thương hiệu riêng cho quê hương mình.

Không ngần ngại, Nguyễn Cảnh Tuấn đã bỏ công việc kỹ thuật tại Nhà máy chế biến chè Hùng Sơn để xin làm việc không công nhằm học hỏi kinh nghiệm chế biến chè tại xưởng chè Hảo Đạt, thuộc vùng chè Tân Cương, Thái Nguyên.

Sau gần một năm cần mẫn làm việc, học hỏi kinh nghiệm, Tuấn đã tự trả lời câu hỏi băn khoăn suốt nhiều năm, vì sao cũng đều là chè, đều một quy trình sản xuất nhưng chè Thái Nguyên lại nổi tiếng và giá thành cao hơn chè xứ Nghệ.

Sau khi nghỉ việc tại xưởng chè Hảo Đạt, anh quyết tâm vay mượn bạn bè, người thân, gia đình được 100 triệu đồng mua 4 máy sào lăn để sản xuất chè ngay tại nhà mình. Thương hiệu chè Mạc Điền, tên gọi của vùng đất Hùng Sơn ngày xưa ra đời từ đó.

Sau 2 năm, đến nay thương hiệu chè Mạc Điền đã bắt đầu được nhiều người biết đến. Không chỉ được người dân trong huyện Anh Sơn tìm mua để uống, làm quà biếu, chè Mạc Điền còn được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều địa phương khác trong tỉnh Nghệ An.

Chè Mạc Điền được người tiêu dùng đánh giá là thơm ngon, giá cả phải chăng với 150 ngàn đồng/kg. Anh Nguyễn Cảnh Tuấn chia sẻ: Để có chè ngon thì đầu tiên nguyên liệu chè phải đảm bảo chất lượng “một tôm hai tép”(một búp, hai lá), chè phải hái đúng thời điểm và phải được sao ngay trong ngày hái.

Ngoài ra, chè cũng phải được hái hoàn toàn bằng tay để tránh dập nát hoặc lẫn chè không đạt yêu cầu. Quá trình sao chè, không để lửa quá to để tránh chè bị đỏ, công đoạn vò phải sử dụng vò bằng tay để đảm bảo chè được đều.

Không chỉ xây dựng được thương hiệu cho chè quê hương, việc chế biến chè cũng mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Tuấn. Trung bình mỗi năm gia đình anh sản xuất, đóng gói 3 tấn chè Mạc Điền, trừ chi phí thu lãi 80 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, anh còn thu mua chè tươi từ người dân với giá cao hơn rất nhiều lần so với trước đây, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của nhiều hộ gia đình trồng chè tại xã Hùng Sơn.

Ông Hoàng Đình Mỹ, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho biết: Mạc Điền là sản phẩm chè sạch, thơm ngon đã được nhiều người dân rất ưa chuộng. Chính quyền xã Hùng Sơn đã lên kế hoạch phát triển thương hiệu chè Mạc Điền trở thành một sản phẩm chính của địa phương trong thời gian tới.

Cùng với sự khuyến khích, động viên về tinh thần, xã Hùng Sơn cũng đang tích cực giúp anh Tuấn quảng bá thương hiệu chè Mạc Điền đến người dân trên địa bàn tỉnh cũng như ở các tỉnh khác.

Từ sự ra đời của chè Mạc điền, chính quyền địa phương đang khuyến khích các gia đình có diện tích trồng chè lớn học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng thành nhiều cơ sở chế biến chè tại gia đình như anh Nguyễn Cảnh Tuấn để nâng cao hiệu quả kinh tế, thay vì trồng và tiêu thụ chè tươi, giá cả thấp, không ổn định như hiện nay.

Được sự đồng ý của huyện Anh Sơn, chính quyền xã Hùng Sơn cũng đang lập đề án thành lập Hợp tác xã chè Hùng Sơn nhằm phát triển vùng sản xuất chè sạch dựa trên cơ sở thương hiệu chè Mạc Điền của anh Nguyễn Cảnh Tuấn.

Theo ông Mỹ, xã Hùng Sơn có nhiều lợi thế trong việc thành lập Hợp tác xã sản xuất chè sạch. Đó là diện tích trồng chè lớn tạo nên nguồn nguyên liệu chè sạch dồi dào, người dân lại có nhiều kinh nghiệm trồng chè lâu năm.

Mặt khác, việc thành công trong sản xuất và xây dựng thương hiệu chè Mạc Điền đã tạo được niềm tin, tạo động lực rất lớn để nhiều hộ gia đình khác mạnh dạn trong sản xuất, chế biến chè mang thương hiệu riêng của địa phương.

Từ mô hình của anh Tuấn đã chứng minh rằng để sản xuất chè sạch, chè ngon không khó, chi phí đầu tư cho máy móc không cao mà trọng tâm là phải nắm chắc và tuân thủ nghiêm các nguyên tắc trong từng khâu từ lựa chọn sử dụng nguyên liệu đến chế biến.

Có thể nói, việc sản xuất chè theo quy mô nhỏ hộ gia đình như anh Nguyễn Cảnh Tuấn đang là hướng đi mới đầy triền vọng nhằm giúp người dân trồng chè tại xã Hùng Sơn có thể nâng cao đời sống kinh tế hơn; đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu riêng cho vùng sản xuất chè Hùng Sơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục