Người lao động tại công ty con sẽ được mua cổ phần ưu đãi công ty mẹ

13:27' - 15/08/2016
BNEWS Một trong những điểm mới của dự thảo Nghị định về cổ phần hóa là người lao động tại công ty con sẽ được mua cổ phần ưu đãi công ty mẹ.
Người lao động tại công ty con sẽ được mua cổ phần ưu đãi công ty mẹ. Ảnh: TTXVN

Bộ Tài chính cho biết đang xây dựng dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Một trong những điểm mới của dự thảo là người lao động tại công ty con sẽ được mua cổ phần ưu đãi công ty mẹ.
Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP về cổ phần hóa được ban hành trong thời gian qua về cơ bản đã tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước theo các quy định nêu trên trong thời gian qua cho thấy còn một số hạn chế cần thay đổi.
Dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần gồm 7 Chương, 51 Điều.

Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ quy định về xử lý tài chính khi cổ phần hóa; xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa; bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa; chính sách đối với doanh nghiệp và người lao động khi cổ phần hóa
Một trong những điểm mới tại dự thảo Nghị định là tăng ưu đãi đối với người lao động khi doanh nghiệp cổ phần hóa.
Theo đó, dự thảo Nghị định bổ sung đối tượng người lao động tại các công ty con chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các doanh nghiệp khác sẽ được mua cổ phần ưu đãi như người lao động tại công ty mẹ khi cổ phần hóa toàn bộ Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước.
Việc người lao động tại công ty con được mua cổ phần ưu đãi tại công ty mẹ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho áp dụng tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khi cổ phần hóa.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước.

Giá bán bằng 60% giá đấu giá thành công thấp nhất (trường hợp đấu giá công khai trước) hoặc bằng 60% giá bán thành công thấp nhất cho các nhà đầu tư chiến lược (đối với trường hợp bán cho nhà đầu tư chiến lược trước).

Mặt khác, tại Khoản 10, Điều 1 Nghị định 116/2015/NĐ-CP đã quy định việc bán trước cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn với giá bán cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm trong phương án cổ phần hóa được duyệt. Phần chênh lệch giữa giá bán với mệnh giá được trừ vào giá trị vốn nhà nước.
Như vậy, về bản chất Nhà nước đã thực hiện ưu đãi cho người lao động tại doanh nghiệp 40% giá trị của 01 cổ phần theo kết quả đấu giá hoặc giá khởi điểm. Quá trình bán ưu đãi này phải đợi kết quả đấu giá, trường hợp giá trị đấu giá thành công cao thì người lao động cũng phải bỏ số tiền lớn ra để mua cổ phần.

Mặt khác, theo quy định hiện hành, chỉ người lao động tại Công ty mẹ được mua cổ phần ưu đãi khi cổ phần hóa công ty mẹ. Thời gian qua đã tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bao gồm cả các công ty TNHH 1 thành viên do công ty mẹ sở hữu 100% vốn.

Người lao động tại các công ty con chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các doanh nghiệp khác sẽ không được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại công ty mẹ.

Do vậy, dự thảo Nghị định bổ sung đối tượng người lao động tại các công ty con chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các doanh nghiệp khác cũng được mua cổ phần ưu đãi như người lao động tại công ty mẹ khi cổ phần hóa.
Một điểm mới nữa của Dự thảo lần này là chi phí cổ phần hóa được “giao cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt, Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) doanh nghiệp quyết định mức chi cụ thể theo các nội dung đã được quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

Đây được xem là tạo quyền chủ động cho doanh nghiệp cổ phần hóa và cơ quan đại diện chủ sở hữu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục