Nguy cơ bùng phát dịch tai xanh

14:49' - 20/05/2016
BNEWS Sự xuất hiện trở lại của ổ dịch tai xanh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cho thấy nguy cơ bùng phát trở lại bất cứ lúc nào do vi rút tai xanh vẫn còn tiềm ẩn, đặc biệt ở những ổ dịch cũ.
Nguy cơ bùng phát dịch bênh tai xanh có thể tái diễn. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo nhận định của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau gần 5 tháng khống chế thành công dịch tai xanh trên lợn (ổ dịch cuối cùng xảy ra hồi giữa tháng 11/2015), mới đây, bệnh dịch này đang có nguy cơ bùng phát trở lại.

Do đó, Cục Thú y đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn.

Theo Cục Thú y, mới nhất là 2 ổ dịch tai xanh phát sinh tại xã Triệu Trung và xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Trước đó, ngày 20/4/2016, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị nhận tin báo về dịch bệnh trên đàn lợn tại thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng.

Chi cục đã nhanh chóng phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra, xác minh. Theo kết quả xét nghiệm, lợn mắc bệnh do vi rút tai xanh gây ra. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thôn Phú Hưng có 100 con lợn của 10 hộ dân tại 3/4 đội đã mắc bệnh tai xanh.

Như vậy, đến nay, tỉnh Quảng Trị đã xảy ra 6 ổ dịch tai xanh tại 4 huyện và thành phố làm 505 con lợn mắc bệnh. Địa phương đã tiến hành tiêu hủy 142 con. Cơ quan Thú y vùng III và Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp, cấp 5.000 lít hóa chất khử trùng và tiến hành tiêm phòng được 36.502 con lợn trên địa bàn.

Đối với dịch lở mồm long móng, cả nước hiện có 1 ổ dịch tại xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa chưa qua 21 ngày.

Do đó, Cục Thú y khuyến cáo các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.

Mặc dù, cả nước hiện không còn ổ dịch cúm gia cầm nào, nhưng theo nhận đinhụ của Cục Thú y, do diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan là rất cao; các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như vi rút H7N9; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.

Ngoài ra, Cục Thú y cũng yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2016 để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục