Nhà báo Đinh Hữu Dư và chuyện hơn 260 nhà báo liệt sỹ của TTXVN

09:53' - 14/10/2017
BNEWS Mỗi khi nghe tin một nhà báo tử nạn khi đang làm nhiệm vụ, có thể là trên chiến trường hay giữa mưa bão, hoả hoạn... tôi nghĩ đến một nỗi đau trong nghề báo.
Phóng viên Đinh Hữu Dư (trái) trong lúc tác nghiệp.

Mỗi khi nghe tin một nhà báo tử nạn khi đang làm nhiệm vụ, có thể là trên chiến trường hay giữa mưa bão, hoả hoạn... tôi nghĩ đến một nỗi đau trong nghề báo. Nỗi đau khi số phận của họ bị đảo ngược: từ nhân chứng trở thành nạn nhân, từ người đưa tin trở thành người phải gánh nỗi bất trắc về sự kiện mà họ cần đưa. Nhưng những nhà báo tử nạn khi tác nghiệp luôn là những nạn nhân đặc biệt mà cái chết của họ có sức mạnh hơn bao giờ hết.

Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ đã có hàng trăm nhà báo hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, trong đó TTXVN là cơ quan báo chí chịu tổn thất nặng nề nhất về con người, với hơn 260 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên hy sinh. Theo một con số thống kê tuyệt đối thì là 262 người.

Tổn thất đó đã nói lên rất nhiều điều: đó là sự cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ nhân viên TTXVN trong chiến tranh, khi đằng sau những trang tin, bức ảnh, thước phim gửi về còn có xương thịt của họ rải khắp chiến trường cho đến ngày toàn thắng.

Tổn thất đó không đè bẹp được ý chí nhiệt huyết của các đồng nghiệp còn lại mà đã biến thành động lực để họ tiếp tục vươn lên, xây đắp truyền thống vẻ vang của TTXVN: sẵn sàng dấn thân vào các điểm nóng thời sự, sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình vì sự thật cần đưa tin.

TTXVN đã được phong tặng 2 danh hiệu Anh hùng: Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến cứu quốc và Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Điều đó cũng nói lên rằng, cống hiến to lớn của các cán bộ, nhân viên TTXVN đã xuyên suốt từ thời chiến tới thời bình.
***

Và trong thời bình hôm nay, thêm một nhà báo TTXVN đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu với "giặc lụt": nhà báo Đinh Hữu Dư. Sau 51 giờ ròng rã kiếm tìm với niềm hy vọng khi cạn dần, lúc bùng cháy, cuối cùng gia đình, đồng nghiệp Dư đã phải chấp nhận sự thật: Dư đã qua đời khi cầu Thia bất ngờ đổ sập trong mưa lũ, cuốn anh trôi đi.

Vào khoảng 15h chiều, 13/10, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Yên Bái đã tìm thấy thi thể nhà báo Đinh Hữu Dư tại khu vực cầu Văn Phú (TP Yên Bái), cách hiện trường tai nạn (tức cầu Ngòi Thia ở thị xã Nghĩa Lộ) khoảng 100km.

Xót xa thay, từ chỗ là người đưa tin về mưa lũ, anh đã trở thành một trong gần 100 nạn nhân bất hạnh của đợt mưa lũ lần này.

Trên báo Yên Bái, nhà báo Phạm Thế Duyệt, đồng nghiệp anh kể lại về hành trình xông pha của anh mới cách 51 giờ trước đó: "Khi nhận được tin báo ở khu vực miền Tây (của Yên Bái) mưa lũ, bất chấp trời mưa to, 10h sáng tôi và Dư đi xe máy vào thẳng thị xã Nghĩa Lộ.

Đến cầu Thia gần 12h trưa, chúng tôi tranh thủ tác nghiệp mà không kịp ăn uống gì. Tôi và Dư ra giữa cầu để ghi hình, tôi chụp ảnh còn Dư quay phim. Khi tôi bấm được mấy kiểu rồi đi vào thay ống kính thì bất ngờ cầu Thia bị sập cuốn bạn tôi đi”.

“Đây là phóng viên luôn xông pha trên mọi mặt trận, đi vào những vùng nguy hiểm để tác nghiệp và đưa những hình ảnh, thông tin kịp thời, nhanh nhất đến độc giả. Trong đợt lũ quét, lũ ống xảy ra tại huyện Mù Cang Chải đợt tháng Tám năm nay, phóng viên Dư cũng có mặt đầu tiên để đưa tin”, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư tỉnh uỷ nói với báo Người đưa tin.

Tôi giở lại những bức ảnh do Đinh Hữu Dư ra xem lại. Trong vòng 1 năm, số ảnh về mưa lũ của anh rất, rất nhiều trên trang ảnh của TTXVN. Xem ảnh của anh, tôi hiểu rằng anh đã từng xông pha như thế nào trong những hoàn cảnh còn gian hiểm hơn rất nhiều so với lần này, khi anh quên cả ăn đến cầu Thia giữa thị xã Nghĩa Lộ tác nghiệp.

Những bức ảnh về lũ lụt ở Mù Cang Chải của anh từng khiến người xem quặn lòng, xót xa cho thảm cảnh mưa lũ, giờ đây lại mang thêm một ý nghĩa mới, ấy là ký ức, kỷ niệm về một người hùng đứng sau ống kính, người đã dấn thân vào giữa giặc lụt để trở thành nhân chứng cho thảm hoạ của thiên nhiên, thành người đưa tin về những nỗ lực của con người. Vậy mà ai có thể ngờ, trong lần này, anh vẫn xông pha với nhiệm vụ như thế, với tâm thế như thế mà bất ngờ trở thành nạn nhân.

Trước tấm gương dấn thân của anh, Phó Thủ tướng đề nghị TTXVN đề xuất khen thưởng phóng viên Dư lên Chính phủ.

Dư đã ngã xuống trong cuộc chiến với giặc lụt trên cầu Thia. Với tôi đó là sự tiếp nối truyền thống của các thế hệ nhà báo - sẵn sàng dấn thân vào vùng nguy hiểm, dù là địch hoạ hay thiên tai - vì sự thật cần đưa tin.

Sự tổn thất về người luôn là lớn nhất. Danh sách những nhà báo ngã xuống khi đang tác nghiệp của nền báo chí Việt Nam nói chung và của TTXVN nói riêng tiếp tục dài ra. Nhưng không cái chết nào là vô ích. Xương máu của Dư đổ xuống thêm một lần nữa nhắc nhở đồng nghiệp của anh rằng, muốn đi đến tận cùng của sự thật, chuyển tải những thông tin, hình ảnh, thước phim chân thật nhất về sự kiện, các nhà báo đã phải (và cần tiếp tục phải) dấn thân vào thực địa, vào "tâm bão" của các vấn đề nóng, trở thành nhân chứng sống động về sự kiện.

Có như thế mới phát huy được sức mạnh của báo chí. Sẵn sàng đổ mồ hôi, chưa nói máu và nước mắt, mới có thể trở thành nhà báo đúng nghĩa và tử tế. Điều đó chẳng hề cũ trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay, sinh ra quá nhiều những nhà báo salon cùng những "anh hùng bàn phím".

>> Đinh Hữu Dư Hãy là cánh chim bay cao trên trời mây Yên Bái

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục