Nhà ở cho công nhân - nhu cầu bức thiết ở Đồng Nai

14:48' - 08/05/2017
BNEWS Đến thời điểm này, Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đi vào hoạt động với gần 1 triệu lao động đang làm việc; trong đó, công nhân nhập cư chiếm khoảng 60%.

Theo khảo sát, hiện 70% công nhân ở Đồng Nai đang cần nhà ở.

Nhà ở xã hội giá rẻ xây chậm nên phần lớn công nhân phải thuê nhà trọ. Ảnh minh họa: Minh Nghĩa/TTXVN

Tuy nhiên, do nhà ở xã hội giá rẻ chậm được xây dựng nên phần lớn công nhân vẫn phải thuê nhà trọ; bản thân họ cũng như những thế hệ tiếp theo phải sinh sống trong điều kiện không đảm bảo.

Anh Nguyễn Thanh Sơn từ Nghệ An vào làm công nhân tại Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã 10 năm.

Anh đã lập gia đình, có 3 người con. Mỗi tháng, vợ chồng anh Sơn thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình anh phải chi tiền thuê phòng trọ, lo cho 3 người con ăn học. Cố gắng lắm, mỗi tháng vợ chồng anh chỉ dành dụm được vài triệu đồng để phòng khi ốm đau.

Anh Sơn chia sẻ, phòng trọ thuê rộng khoảng 15m2, diện tích nhỏ nên cả gia đình sinh hoạt rất bất tiện, vệ sinh không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ. Điều kiện sống kém nên trẻ con hay bị ốm. Vợ chồng anh đã tích góp nhiều năm để mua nhà, nhưng thu nhập thấp quá, chỉ đủ trang trải chi phí hàng ngày.

Nơi gia đình anh Sơn thuê ở thuộc ấp Bùi Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom. Cả dãy trọ có 12 phòng, đa số là các gia đình công nhân có con nhỏ, đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung.

Những người công nhân chia sẻ, lương của họ tăng với cấp số cộng song chi phí ăn, ở lại tăng theo cấp số nhân.

Làm việc chăm chỉ cũng chỉ đủ tiền mua đất chứ xây nhà là giấc mơ xa vời. Bởi vậy, họ mong ước được mua nhà bằng hình thức trả góp. Họ được nghe nhiều về các dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho công nhân, song đến nay mọi thứ vẫn "mịt mờ".

Khảo sát của Liên đoàn Lao động Đồng Nai cho thấy, hiện chỉ 8% người lao động có tiền tích lũy, 72% công nhân phải chi tiêu rất tiết kiệm mới đủ sống. Do thu nhập thấp nên 62% lao động trong tỉnh phải tăng ca, làm thêm giờ. Đa phần công nhân nhập cư có hoàn cảnh khó khăn, không có sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình.

Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động Đồng Nai, để đáp ứng chỗ ở cho người lao động, thời gian qua, một số doanh nghiệp có sử dụng đông công nhân như: Tập đoàn Phong Thái (huyện Trảng Bom), Công ty Chinwell Fastener (huyện Nhơn Trạch), Công ty Chính xác Việt Nam (huyện Trảng Bom)... đã xây dựng được 65.000 m2 nhà ở và bố trí khoảng 10.000 chỗ ở cho người lao động.

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hơn 13.000 cơ sở tư nhân xây phòng trọ để kinh doanh, đáp ứng khoảng gần 180.000 người. Nhà ở với công nhân là vấn đề bức thiết, họ mong an cư để chú tâm làm việc, ổn định cuộc sống và nương tựa khi về già.

Việc doanh nghiệp xây ký túc xá phục vụ công nhân là cách làm hay, song về lâu dài người lao động và gia đình họ cần có chỗ ở ổn định.

Ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Đồng Nai cho biết, từ năm 2017, công đoàn Đồng Nai sẽ giảm chi hành chính và chi phong trào để lấy kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động, trong đó có xây dựng nhà ở cho công nhân.

Liên đoàn Lao động Đồng Nai đề xuất lãnh đạo tỉnh xây dựng nhà chung cư cho công nhân với giá ưu đãi, tùy điều kiện quỹ đất của từng vùng với mức giá khoảng 6 triệu đồng/m2, thấp hơn 2 triệu đồng/m2 so với quy định của Bộ Xây dựng.

Khi mua chung cư, người lao động được trả góp với lãi suất thấp. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn sẽ kiến nghị lãnh đạo tỉnh về việc kiểm tra, giám sát các hộ xây dựng nhà cho thuê; đưa ra các tiêu chuẩn về diện tích, điều kiện vệ sinh và giá cho thuê.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, tỉnh đặt mục tiêu, đến năm 2020 sẽ xây dựng 45 công trình nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, ký túc xá sinh viên với số lượng khoảng 20.000 căn.

Trong 3 năm tới, trên địa bàn tỉnh có thêm 150.000 phòng trọ do người dân tự xây mới. Các dự án nhà ở cho công nhân đang được Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ. Riêng tại huyện Nhơn Trạch có 6 dự án với quy mô 7.500 căn sắp hoàn thành.

Theo ông Lâm, dự báo đến năm 2020, nhu cầu nhà ở tại địa phương sẽ tăng lên trên 80 triệu m2 sàn. Để đáp ứng chỗ ở cho người dân, đặc biệt là công nhân, Đồng Nai kiến nghị Bộ Xây dựng và Chính phủ đưa một số dự án vào danh sách được vay vốn ưu đãi; tăng cường xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nhà ở cho người lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục