Nhận diện phân bón giả

12:39' - 21/07/2016
BNEWS Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra thì mỗi năm Việt Nam mất đi khoảng 2 tỷ USD.
Cơ quan chức năng đã thu giữ 241 bao phân bón để niêm phong, chờ giám định. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

Người xưa có câu “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Vì vậy, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… luôn là yếu tố ảnh hưởng đến năng suất, mùa vụ và cả thu nhập của nhà nông.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn chưa thuyên giảm mà có dấu hiệu gia tăng và ngày càng tinh vi hơn, dù được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp.

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), hiện cả nước tiêu thụ mỗi năm gần 11 triệu tấn phân bón; trong đó, có hơn 8 triệu tấn trong nước tự sản xuất, còn lại là nhập khẩu. Chủng loại phân bón cũng khá đa dạng với khoảng 7.000 loại phân bón, bao gồm: phân hóa học, phân hữu cơ, phân hữu cơ-khoáng, phân vi lượng, phân bón dưới rễ và phân bón lá...

Các chuyên gia về lĩnh vực này nhận định, với số lượng chủng loại phân bón lớn như vậy, sẽ rất khó cho công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn sử dụng cho người nông dân.

Vì vậy, bên cạnh những công ty làm ăn kinh doanh chân chính có uy tín trên thị trường vẫn không ít công ty, cơ sở sản xuất bất chấp thủ đoạn sản xuất phân bón kém chất lượng và phổ biến là những loại phân bón với chất lượng chỉ còn 10-30% hàm lượng theo đăng ký và công bố, còn lại là đất sét, bột gạch đỏ... được trộn lẫn.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra thì mỗi năm Việt Nam mất đi khoảng 2 tỷ USD. Đây mới chỉ tính thiệt hại do mất lượng tiền không cân xứng với lượng chất dinh dưỡng có trong phân, mà chưa tính tới hậu quả không đo đếm chính xác được như: phân giả, kém chất lượng làm cho cây trồng không đạt năng suất, cây yếu ớt dễ bị sâu bệnh hại tấn công hơn,… khiến cho lợi nhuận của vụ mùa giảm sút.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hiến, nông dân tại Phú Xuyên, Hà Nội, gia đình mua phân NPK để bón cho cây lúa, nhưng cây lúa phát triển rất chậm, một số không lớn được. Khi kiểm tra thì thấy phân bón đó bị lắng thành cục.

“Trên thị trường có quá nhiều loại phân bón, nông dân chúng tôi không thể phân biệt được loại nào là chính hãng, cũng như hàm lượng chất chứa trong đó, chỉ biết mua và chọn ở các cửa hàng đại lý lớn, nhiều người mua sử dụng” - bà Hiến nói.

Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường xử lý trên 3.000 vụ vi phạm, thu giữ gần 1.000 tấn phân bón các loại. Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng biểu hiện nhiều ở việc ghi nhãn mác mập mờ, thay đổi hàm lượng vi chất trong phân bón để kiếm lợi, nên người nông dân khó nhận biết.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, phân bón giả, kém chất lượng còn tồn tại là do chưa có các quy định cụ thể để kiểm soát, như các chỉ số về hàm lượng, vi chất chiếm bao nhiêu, xử lý ra sao một cách rõ ràng... Vì thế thời gian qua, ngành chức năng phát hiện có đến hơn 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì.

Cơ quan chức năng kiểm tra chi tiết thông tin trên bao bì phân bón. Ảnh: TTXVN

Mặc dù, các cơ quan quản lý thị trường, Ban chỉ đạo Phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại quốc gia (Ban chỉ đạo 389) đã cùng vào cuộc quyết liệt kiểm soát và xử phạt nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón kém chất lượng nhưng với 7.000 chủng loại phân bón, trên 1.000 cơ sở sản xuất trên cả nước..., sẽ là rất khó để giải quyết dứt điểm vấn nạn này. Bởi theo ông Thúy, vì lợi nhuận các cơ sở sản xuất phân bón giả tự phát mọc lên như “nấm sau mưa”.

Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng quản lý mặt hàng này, để người nông dân phần nào yên tâm khi sử dụng phân bón, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới cho rằng, nông dân có thể tự phân biệt phân bón giả bằng cách: Cho phân vào cốc nước thủy tinh khuấy đều, nếu phân bón tan hết (có thể vẫn lắng cặn) hoặc chưa tan nhưng khi bóp nhẹ thì tan vụn ra là đạt yêu cầu; còn nếu bóp mà dẻo, khi vào nước không nổi váng…thì đó là phân giả do trộn đất sét, trộn gạch non…

Ngoài ra, khi bón thử trên cây rau ăn lá thì chỉ sau 3-5 ngày nếu phân chất lượng tốt, cây rau xanh và tươi mướt, còn phân giả và kém chất lượng thì không thấy thay đổi, thậm chí có hiện tượng lá vàng, thối rễ.

Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) cho biết, đơn vị đã tuyên truyền tới các đại lý và nông dân về các dấu hiệu nhận biết hàng chính hãng, phân biệt với hàng giả, hàng nhái, cũng như các hệ lụy, thiệt hại không đáng có khi kinh doanh hoặc sử dụng sản phẩm giả, nhái.

Nông dân nên lựa chọn những đại lý, thương hiệu có uy tín ở địa phương và chỉ nên mua các loại phân bón có chất lượng được giới thiệu trên truyền thông và khuyến nông của địa phương, hoặc đã được người dân địa phương sử dụng rồi; không nên ham sản phẩm rẻ, trôi nổi. Bên cạnh đó, khi mua hàng bà con cần yêu cầu hóa đơn, hoặc có giấy xác nhận của đơn vị, cơ sở bán.

Bên cạnh đó, đại diện PVFCCo cũng khuyến cáo, hiện nay có tình trạng người bán đem phân tới tận ruộng, tận vườn giới thiệu là sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài với bao bì rất bắt mắt. Nông dân cần cảnh giác để không mua phải phân giả hoặc phân kém chất lượng. Nếu có nghi ngờ phân bón giả, kém chất lượng, có thể gọi cho Thanh tra Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Quản lý thị trường tại địa phương.

Còn ông Đỗ Thanh Lam cho hay, trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra việc kinh doanh mặt hàng này tại các đại lý. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, tuyên truyền, thông tin kịp thời về tác hại của phân bón giả, phân bón kém chất lượng để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó không tiêu thụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục