Nhân rộng các mô hình hợp tác xã rau an toàn

10:56' - 24/11/2017
BNEWS Nhiều hợp tác xã nông nghiệp ở Vĩnh Phúc đã phát triển sản xuất theo quy trình khép kín, sử dụng các chế phẩm sinh học sản xuất và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nhân rộng các mô hình hợp tác xã rau an toàn. Ảnh: TTXVN

Những mô hình hợp tác xã rau an toàn đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Để góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm rau an toàn, chất lượng, giá trị sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch diện tích trồng rau an toàn với mục tiêu đến năm 2020 là 3.127 ha; 100% sản phẩm rau sản xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được chứng nhận đạt tiêu chuẩn từ VietGAP và tương đương trở lên.
Đi vào hoạt động từ tháng 4/2017, với 130 thành viên, hợp tác xã rau an toàn Visa (xã Đại Tự, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) đã xây dựng mô hình vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 5 ha và đưa vào khai thác hiệu quả cơ sở sơ chế, bao gói và tiêu thụ rau gia vị đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chị Lê Thị Thu Hương, Giám đốc của hợp tác xã Rau an toàn Visa cho biết, trong việc sản xuất rau, hợp tác xã thực hiện đầy đủ 10 bước quy định theo tiêu chuẩn VietGAP ngay từ khâu chọn đất trồng, chọn nguồn nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Nguồn nước tưới cho rau của hợp tác được bơm từ giếng khoan lên, sau đó, được đưa vào bể chứa lắng để kiểm tra xử lý rồi mới tưới cho cây trồng. Đối với việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, dùng loại nào, số lượng, liều lượng, ngày tháng sử dụng… đều được ghi chép đầy đủ trong nhật ký đồng ruộng.
Sau khi thu hoạch, rau sẽ được chuyển vào phòng sơ chế để phân loại, làm sạch và dùng bao túi sạch để chứa đựng. Sau khi đóng gói, rau sẽ được niêm phong và vận chuyển đến điểm tiêu thụ hoặc trực tiếp cho người sử dụng trong vòng 2 giờ để đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.
Chị Lê Thị Thu Hương, Giám đốc của hợp tác xã rau an toàn Visa cho biết thêm, hiện nay, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã rau an toàn Visa đang cung ứng ra thị trường khoảng 1 tấn rau chủ yếu cho các bếp ăn tập thể địa bàn 2 huyện Yên Lạc, huyện Vĩnh Tường và khu công nghiệp. Ngoài ra, hợp tác xã rau an toàn Visa đã ký kết được hợp đồng cung cấp theo kế hoạch cho VinEco.
Xã Vân Hội vốn là vùng chuyên canh rau của huyện Tam Dương, nhưng do không có sự liên kết, nên đầu ra sản phẩm rau của xã Vân Hội vẫn phụ thuộc vào các thương lái. Nắm bắt được khó khăn, hợp tác xã sản xuất rau an toàn Vân Hội xanh đã thành lập và vận động, tập hợp người trồng rau trên địa bàn xã vào hợp tác xã để cùng liên kết sản xuất, tìm hướng đi mới cho các sản phẩm rau. Hiện nay, hợp tác xã sản xuất rau an toàn Vân Hội xanh có 27 thành viên với diện tích canh tác 5 ha.
Các thành viên khi tham gia hợp tác xã sản xuất rau an toàn Vân Hội xanh phải tuân thủ chặt chẽ quy định, quy trình sản xuất rau an toàn. Hợp tác xã cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đưa ra kế hoạch sản xuất cho từng thành viên. Mỗi ô ruộng đều được theo dõi, giám sát và có sổ sách ghi chép. Rau sau khi thu hoạch được đưa vào nhà sơ chế, đóng gói và dán tem, dán mã QR code.
Chị Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Vân Hội xanh cho biết, hiện nay, hợp tác xã rau an toàn Vân Hội Xanh Trung đã xây dựng được 2 điểm bán hàng cố định tại thành phố Vĩnh Yên, mỗi ngày hợp tác xã Vân Hội Xanh tiêu thụ hơn 1 tấn rau, củ, quả các loại.

Sau một thời gian thử nghiệm, vừa qua hợp tác xã Vân Hội Xanh đã được đối tác VinEco hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến VinEco sẽ thiêu thụ 100% các sản phẩm của hợp tác xã khi đạt tiêu chuẩn.
Không chỉ có hợp tác xã Rau an toàn Visa và Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Vân Hội xanh thành công trong việc tạo ra những sản phẩm rau an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành nhiều vùng chuyên canh rau với những thương hiệu đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường như: Rau an toàn Sông Phan, Rau an toàn Sao Mai, su su an toàn Tam Đảo. Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm rau, củ, quả khác như: Bí đỏ Vĩnh Tường, dưa chuột An Hòa, mướp Kim Long… được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có trên 120 cơ sở sản xuất rau an toàn, với diện tích canh tác gần 900 ha được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy chứng nhận đủ điểu kiện sản xuất rau an toàn; trên 40 cơ sở sản xuất rau an toàn VietGAP, với diện tích trên 500 ha. Sản lượng rau an toàn và rau được cấp Giấy chứng nhận VietGAP ước đạt khoảng 40.000 tấn/năm, bằng 25% tổng sản lượng rau sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, có một thực tế, các mô hình sản xuất rau an toàn tại Vĩnh Phúc hiện chủ yếu vẫn còn trên quy mô nhỏ, phân tán nên gay ra nhiều nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm rau an toàn theo quy định.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất rau an toàn như đường điện, đường giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, hệ thống nhà lưới… còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất rau an toàn với quy mô lớn.
Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định sẽ phát triển rau quả trở thành ngành hàng quan trọng của tỉnh theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có giá trị tăng cao.
Để thực hiện được mục tiêu đó, Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều giải pháp như: quy hoạch và hỗ trợ phát triển vùng chuyên canh rau quả; hỗ trợ các địa phương thực hiện dồn thửa, đổi ruộng để tăng quy mô sản xuất rau, phục vụ quy hoạch vùng chuyên canh rau…
Đồng thời, hỗ trợ hình thành các hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chuyên tiêu thụ rau an toàn; xây dựng các mô hình thí điểm khép kín từ sản xuất đến sơ chế, chế biến kinh doanh rau an toàn có thương hiệu nhận diện và truy xuất sản phẩm; tổ chức các chương trình xúc tiến, xây dựng thương hiệu nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm rau an toàn đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục