Nhật Bản nên ưu tiên đầu tư sản xuất giống cây trồng ở Việt Nam

19:09' - 14/10/2015
BNEWS Theo một quan chức của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, các doanh nghiệp Nhật Bản cần ưu tiên đầu tư đầu tư cho việc sản xuất vật tư, giống cây trồng, vật nuôi ở Việt Nam.
Thu hoạch lúa Thu Đông tại Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN

Chiều 14/10, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT, đã đưa ra khuyến nghị về các lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhật Bản nên ưu tiên đầu tư trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tăng cường hợp tác Việt–Nhật trong lĩnh vực nông nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam–Nhật Bản 2015 tại Hà Nội, ông Tuấn cho rằng có 4 lĩnh vực trong nông nghiệp Việt Nam mà các doanh nghiệp Nhật Bản nên ưu tiên đầu tư.

Thứ nhất là sản xuất vật tư, giống cây trồng, vật nuôi; công nghiệp phụ trợ, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và xuất, chế biến phụ phẩm nông nghiệp để tạo giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai là đầu tư khoa học công nghệ hiện đại như công nghệ sinh học, cơ khí, bảo quản chế biến sản phẩm.

Thứ ba là liên kết với doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng những cánh đồng lớn gắn với xây dựng thương hiệu. Và thứ tư là đầu tư vào hạ tầng theo hình thức công tư trong cảng cá, thuỷ lợi…

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khẳng định: Việt Nam luôn đặt doanh nghiệp vào vị trí dẫn dắt các chuỗi giá trị, tạo ra một loạt các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Việt Nam có những thay đổi lớn để thu hút doanh nghiệp như cải cách thủ tục hành chính, tạo ra chế đối thoại giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ.

Với cách làm mới này, Việt Nam muốn tạo danh tiếng mới cho nông nghiệp Việt Nam bởi Việt Nam mong được cung cấp cho người tiêu dùng thế giới những sản phẩm có chất lượng, dinh dưỡng, sạch và an toàn.

Việt Nam mong muốn cung cấp cho người tiêu dùng thế giới những sản phẩm có chất lượng, dinh dưỡng, sạch và an toàn. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhận thấy được những hạn chế phải vượt qua. Những hạn chế đó là sản xuất nông nghiệp vẫn trọng cung, làm ra sản phẩm nhiều, giá rẻ, thiếu định hướng thị trường.

Bên cạnh đó là tăng trưởng dựa trên sự “bóc lột” tài nguyên và lao động giá rẻ, thiếu việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, tăng giá trị gia tăng.

Đặc biệt là thiếu liên kết chuỗi, chưa kéo được doanh nghiệp chuỗi sản xuất tới người tiêu dùng cuối cùng để có thêm chế biến, tạo giá trị gia tăng, thương hiệu, nâng uy tín của nông sản Việt Nam trên toàn cầu.

Đánh giá sự nhạy bén của nông dân Việt Nam, ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, cho rằng đó là những phản ứng mang tính ngắn hạn, nhằm mục đích tăng thu nhập trong một thời điểm ngắn hạn.

Nếu nông nghiệp, nông dân Việt Nam đầu tư để nâng cao chất lượng mang tính dài hạn, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một nước nông nghiệp lớn của châu Á./.

Bích Hồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục