Nhật Bản với Ấn Độ trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc

06:30' - 04/08/2017
BNEWS Quan hệ của Nhật Bản với Ấn Độ đang ngày càng quan trọng đối với nỗ lực kiềm chế Trung Quốc giữa lúc cả hai quốc gia đều quan ngại trước mức độ cam kết của quân đội Mỹ tại khu vực.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Reuters

Tờ The Wall Street Journal đăng bài viết cho rằng hợp tác đối phó với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương đang chứng tỏ là nhiệm vụ quá sức đối với Ấn Độ và Nhật Bản. Trong khi Trung Quốc ráo riết xây dựng đường sá và cảng biển tại khu vực thì hợp tác Ấn-Nhật tiến triển thất thường.

Nhật Bản gần đây đã phái tàu chiến lớn nhất mà họ sản xuất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai tới tham gia một cuộc tập trận Hải quân tại Vịnh Bengal nhằm thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình là sát cánh với Ấn Độ và Mỹ đối phó với những tham vọng bành trướng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, vấn đề là tiến trình gia tăng hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ đang tiến triển chậm chạp và mang tính chất thăm dò trong khi mấy năm gần đây, Trung Quốc đang có những bước tiến nhảy vọt trong việc phát triển những cảng biển và cơ sở có tầm quan trọng tại những nước khác nằm xung quanh Ấn Độ Dương.

Các quan chức Nhật Bản đã bày tỏ mối quan ngại rằng những căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông có thể lan sang Ấn Độ Dương, đe dọa những tuyến đường mậu dịch quan trọng của quốc gia này với những quốc gia đang tăng trưởng nhanh ở châu Phi, cũng như với các quốc gia Trung Đông cung cấp cho Nhật Bản khoảng 90% nhu cầu dầu thô của nước này.

Những bước tiến chập chững của Ấn Độ hướng tới mối quan hệ đối tác sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn với Mỹ diễn ra trong bối cảnh nước này phải đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng nhanh chóng của Trung Quốc tại khu vực.

Các chuyên gia cho biết Ấn Độ lâu nay tin rằng cách tốt nhất là không phát triển những khu vực biên giới trên biển và trên đất liền để tránh tạo cơ sở hạ tầng "hấp dẫn" cho những kẻ xâm lược tiềm tàng.

Giờ đây, trước một Trung Quốc đang xây dựng đường cao tốc dọc biên giới Himalaya của Ấn Độ và xây dựng cảng ở các nước láng giềng, Ấn Độ đang phải đối mặt với thực tế rằng họ cần chi nhiều tiền để tự vệ.

Những địa điểm chiến lược tại Andaman và Nicobar, một quần đảo của Ấn Độ nằm ở cửa ngõ phía Đông dẫn tới Ấn Độ Dương, chưa được phát triển trong khi Trung Quốc đã xúc tiến xây dựng những cảng mới ở Pakistan và Sri Lanka.

Mỹ đã bị từ chối gần như mọi đề nghị giúp đỡ. Một quan chức cho biết trong những năm gần đây, giới chức Ấn Độ đã từ chối 6 lời đề nghị của Hải quân Mỹ muốn đậu tàu tại Andaman, sự từ chối này có liên quan đến việc Trung Quốc bày tỏ sự bất bình trước vai trò của Mỹ tại Ấn Độ Dương.

Thế chỗ cho sự ủng hộ của Mỹ, Nhật Bản đã vào cuộc. Năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố "Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa" mới, trong nỗ lực đối phó với vai trò ngày càng quyết đoán của Trung Quốc tại các vùng biển từ bờ Đông châu Phi tới Thái Bình Dương.

Văn kiện này tiếp nối hiệp định song phương Ấn-Nhật, được ký hồi cuối năm 2015, về việc chuyển giao công nghệ quốc phòng. Tuy nhiên, cho tới nay, những đề nghị của Nhật Bản về việc giúp Ấn Độ phát triển Andaman đã bị chững lại.

Kenko Sone, tùy viên kinh tế của Sứ quán Nhật Bản tại New Delhi, cho biết nhà máy điện mà cơ quan phát triển của Nhật Bản đồng ý xây dựng vẫn còn ở trên giấy, trong khi chưa có tiến triển gì đối với đề xuất giúp xây dựng càng biển và đường băng tại quần đảo này. 

Thay vào đó, Nhật Bản chuyển hướng một số mối quan tâm tới Sri Lanka, quốc gia có vị trí chiến lược tại vùng biển Ấn Độ Dương nằm giữa Đông Á và châu Phi. Sau cuộc gặp với người đồng cấp Sri Lanka hồi tháng 4, ông Abe đã công bố khoản viện trợ 1 tỷ yen (9 triệu USD) để giúp phát triển cảng Trincomalee ở miền Đông Bắc Sri Lanka.

Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Viện Lowy, một cơ quan tư vấn của Australia, cho biết cảng Trincomalee "có tiềm năng lớn" trở thành một căn cứ Hải quân để tàu ngầm Nhật Bản có thể đối phó với Trung Quốc. Cũng trong khuôn khổ thỏa thuận hồi tháng 4, Nhật Bản cam kết cung cấp cho Sri Lanka 2 tàu tuần tra hải quân.

Trong khi đó, một số chương trình sản xuất vũ khí ở trong nước của Ấn Độ đã bị chững lại hoặc hủy bỏ trong khi Trung Quốc đang tăng cường Hải quân. Ngày càng nhiều tàu ngầm của Trung Quốc chạy qua Eo biển Malacca và qua Andaman tiến vào Ấn Độ Dương, gây rắc rối cho Hải quân của Ấn Độ, vốn chỉ có vũ khí khá thô sơ để theo dõi tàu ngầm.

Kế hoạch xây dựng đội tàu sân bay của Ấn Độ đã bị chậm vài năm so với dự kiến và đang bị chỉ trích về lỗi thiết kế. Chương trình tự sản xuất máy bay chiến đấu đã bị hủy bỏ hồi năm ngoái, trong khi máy bay phản lực dùng cho Hải quân mà Ấn Độ mua của Nga hồi năm ngoái bị trục trặc về động cơ và bảo hành.

Một loạt tranh chấp biên giới với Trung Quốc cũng buộc Ấn Độ phải đầu tư mạnh vào đường sá và các cơ sở quân sự tại những vùng hẻo lánh như Arunachal Pradesh, khiến họ phải bớt sự quan tâm và nguồn lực cho Ấn Độ Dương.

Các cuộc tập trận Hải quân Malabar trong tháng này, một truyền thống hàng năm giữa Mỹ và Ấn Độ được mở rộng cách đây 2 năm để chính thức thu nạp thêm Nhật Bản, đã cố gắng làm sâu sắc tam giác quan hệ này.

Sự kiện đó đã đánh dấu sứ mệnh ở nước ngoài đầu tiên của tàu chiến lớp Izumo của Nhật Bản. Tàu ngầm của Ấn Độ và Mỹ đã thực hiện diễn tập dưới nước trong khi máy bay quần thảo trên bầu trời.

Phát biểu trên tàu sân bay USS Nimitz, Chuẩn đô đốc Dasgupta tuyên bố 3 lực lượng Hải quân đã phối hợp với nhau đủ ăn ý để có thể phản ứng một cách thỏa đáng với bất kỳ thách thức nào trên biển trong tương lai. Song ông nói thêm chưa có kế hoạch phân chia sứ mệnh một cách cụ thể trong tình huống xảy ra xung đột./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục