Nhất thể hóa châu Âu trước những thách thức mới (Phần II)

06:38' - 11/10/2016
BNEWS Trong khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cho thấy cơ chế phối hợp điều hành trong khu vực còn bất cập, thì chính sách nhất thể hóa châu Âu lại phải đối mặt với thách thức mới.

No Title

Nhất thể hóa châu Âu trước những thách thức mới. Ảnh: miamieuc.org

Ứng phó với thách thức hướng tới tương lai

"Cơn bão" nợ công hoành hành tại nhiều quốc gia thành viên EU như Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp… cộng thêm với một số nhân tố khác như sự phục hồi kinh tế mong manh và không đều trong khu vực làm yếu đi đồng tiền chung châu Âu so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Trong khi đó, EU lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư ngày càng nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng này đã bộc lộ nhiều bất cập trong chính sách chung khiến nội bộ EU không ít lần lục đục trong bối cảnh xảy ra một loạt vụ tấn công khủng bố, cùng với những rủi ro mới rình rập.

Đấy còn chưa kể nhiều vấn đề nan giải đã nảy sinh sau khi xoá bỏ kiểm soát biên giới giữa các nước như tình trạng buôn lậu, maphia, nhập cư, mâu thuẫn quyền lợi dân tộc với quyền lợi chung của các nước khối EU. Trước những diễn biến phức tạp ở khu vực và thế giới, con đường dẫn đến một châu Âu thống nhất vẫn còn nhiều khó khăn.

Ngày càng nhiều người dân không còn nhận thấy sự tối ưu của chính sách nhất thể hóa châu Âu, thậm chí có ý kiến còn cho rằng chính sự ràng buộc trong EU đã khiến nhiều quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngày 23/6, người dân Anh đã có một quyết định lịch sử sau cuộc trưng cầu dân ý, khi đa số họ lựa chọn phương án Anh rời khỏi EU. Tháng Ba năm ngoái, Iceland đã rút đơn xin gia nhập EU và mới đây nhất là Thụy Sỹ. Giấc mơ một mái nhà chung yên bình và thịnh vượng châu Âu bắt đầu giảm dần sức hấp dẫn.

Với việc Anh bỏ phiếu rời EU (Brexit), giấc mơ mái nhà chung châu Âu giảm dần sức hấp dẫn. Ảnh: theguardian.com

"Virus" rời khỏi EU (Brexit) có thể sẽ lây lan sang các nước khác, nhất là các nước thịnh vượng như Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan... Năm 2003, người dân Thụy Điển đã từ chối sử dụng đồng tiền chung euro trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Bên cạnh đó, mức độ thống nhất về các vấn đề chính trị trong EU của Thụy Điển và Anh rất cao nên có thể phe cấp tiến đang lên ở Thụy Điển sẽ nêu ra câu hỏi về việc rời khỏi EU. Đan Mạch cũng có khả năng như vậy vì nước này từng hai lần bỏ phiếu chống đối gia nhập đồng euro. Năm ngoái, người dân Đan Mạch đã tiến hành trưng cầu và từ chối dành nhiều quyền hơn cho Brussels.

Cũng giống như ở Anh, người  Đan Mạch e ngại làn sóng người di cư có thể gây hại cho sự thịnh vượng của đất nước mình. Ở Hà Lan, người đứng đầu đảng cánh hữu dân túy Geert Wilders ủng hộ rời EU và hy vọng sẽ có một cuộc trưng cầu ý kiến tương tự được tổ chức ở Hà Lan.

Tuy nhiên virus Brexit lại miễn nhiễm ở một số quốc gia châu Âu khác, hội nhập châu Âu vẫn đang là mong muốn của các nước vùng Balkan. Serbia đặt mục tiêu sẽ hoàn tất đàm phán gia nhập EU vào năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ làm thành viên EU tại Kosovo và Albania hiện lên tới khoảng 90%.

Những cuộc đàm phán về quy chế thành viên đã được khởi động với Serbia và Montenegro, nhưng vẫn chưa tiến hành với Albania và Macedonia, trong khi Kosovo, Bosnia và Hezgovina đã được hứa hẹn về viễn cảnh gia nhập khi họ sẵn sàng. Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, đã khẳng định quyết tâm tiếp tục các cuộc đàm phán mở rộng EU với Albania, Bosnia, Kosovo, Macedonia, Montenegro và Serbia.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng mong muốn gia nhập EU từ nay đến năm 2023. Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại EU Selim Yenel nhấn mạnh quy chế thành viên đầy đủ của EU sẽ rất quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Yenel cho rằng, về lâu dài, việc Thổ Nhĩ Kỳ không được gia nhập EU là “không thể chấp nhận được”.

Việc gia nhập EU vào năm 2023 sẽ là thành tựu quan trọng, cột mốc đánh dấu 100 năm thành lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mới đây cũng bày tỏ mong muốn gia nhập EU.

EU hiện đang đứng trước một thế khó nữa khi những trụ cột gánh vác kinh tế như Anh đã rời đi, Đức thì từ chối cung cấp tài chính bị hao hụt do hậu quả của Brexit. EU sẽ phải cân nhắc việc cho phép các quốc gia khác gia nhập vào Liên minh để cộng hưởng phát triển chứ không chỉ vì lợi ích nhỏ nhoi hay phải viện trợ.

Quay lại phần I

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục