Nhiều bất cập trong chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã kiểu mới

22:01' - 04/07/2016
BNEWS Sau gần 3 năm thực hiện Luật Hợp tác xã, đến nay, tỉnh Cà Mau mới có 18 hợp tác xã thực hiện chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Nhiều bất cập trong chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Cà Mau. Ảnh minh họa: Phạm Kha–TTXVN
Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cà Mau, hiện toàn tỉnh có 254 hợp tác xã, tuy nhiên, chỉ có 116 hợp tác xã đang hoạt động, 138 hợp tác xã đã tạm ngừng hoạt động nhưng chưa công bố giải thể. Sau gần 3 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 (có hiệu lực từ 1/7/2013), đ ến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ có 18 hợp tác xã thực hiện chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. 

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cà Mau cho biết, theo lộ trình, đến ngày 1/7/2016, các hợp tác xã phải chuyển đổi hoặc giải thể theo quy định của Luật Hợp tác xã. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng hợp tác xã đã chuyển đổi trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt trên 15%. Ðã vậy, nhiều địa phương còn không thực hiện tiến độ báo cáo về sở để tổng hợp số liệu báo cáo về UBND tỉnh. Mặc dù Sở có nhiều công văn nhắc nhở nhưng đến thời điểm này chỉ có 5 huyện thực hiện báo cáo về tiến độ cũng như những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi. 

Theo báo cáo từ 5 địa phương cho thấy, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi của các hợp tác xã gặp phải đều khá điển hình như: Hợp tác xã chưa thực sự được nhà nước bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và môi trường sản xuất, kinh doanh; chính quyền một số địa phương thiếu quan tâm hoặc buông lỏng quản lý đối với hợp tác xã; bộ máy quản lý Nhà nước, hỗ trợ phát triển hợp tác xã còn yếu và chưa thống nhất. 

Bên cạnh đó, việc chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo sự lúng túng trong công tác tổ chức lại hoạt động hợp tác xã, nhất là khâu rà soát tư cách thành viên, góp vốn điều lệ, xác định tài sản, công nợ của hợp tác xã… 

Ngoài ra, hợp tác xã kiểu mới hoạt động trong cơ chế thị trường không chỉ đơn thuần làm những dịch vụ công ích mà phải đem lại lợi nhuận thực sự cho các thành viên bằng những dịch vụ mang hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chưa thiết lập được mối quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại do không đủ điều kiện thế chấp tài sản nên không đủ vốn hoạt động và mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Một khó khăn nữa là trình độ thực hiện xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường của các hợp tác xã còn nhiều hạn chế. 

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau Ðỗ Văn Sơ, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Hợp tác xã đối với các cấp, các ngành và nhân dân về bản chất, nguyên tắc, mục tiêu, tổ chức hoạt động của hợp tác xã... 

Bên cạnh đó, các hợp tác xã chủ động tiến hành tổ chức lại theo quy định của luật và văn bản hướng dẫn, trọng tâm là làm rõ mức vốn điều lệ, tài sản của hợp tác xã. Mỗi hợp tác xã phải nhanh chóng tự kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy, qua đó, xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh và quy chế hoạt động của mình. Tổ chức đăng ký lại hợp tác xã theo quy định; Tiến hành sáp nhập, hợp nhất các hợp tác xã nông nghiệp quy mô nhỏ hoạt động kém hiệu quả, giải thể các hợp tác xã ngừng hoạt động; Phát huy nội lực của các hợp tác xã, thu hút các nguồn vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ động tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho thành viên. 

Ông Đỗ Văn Sơ cho biết, thời gian qua, cũng có một số hợp tác xã thực hiện chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã kiểu mới nhưng vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa đi vào thực tế. Nếu tổ chức lại hợp tác xã theo kiểu mới một cách triệt để sẽ là sức bật mới cho khu vực kinh tế tập thể; trong đó, quan hệ kinh tế giữa hợp tác xã và các thành viên chặt chẽ hơn, tối đa hoá lợi ích cho các thành viên, phản ánh đúng bản chất của một tổ chức hợp tác xã là phục vụ, hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục