Nhiều bộ, ngành không muốn rời xa doanh nghiệp “sân sau”

12:36' - 28/05/2018
BNEWS Sáng 28/5, Quốc hội đã thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Hoàng Quang Hàm phát biểu. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Để doanh nghiệp Nhà nước duy trì được vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng như chủ trương của Đảng, cần một lượng vốn nhất định. Ngoài lượng vốn các doanh nghiệp Nhà nước ở lĩnh vực then chốt đang nắm giữ, có lúc cần phải bổ sung thêm để duy trì tỷ lệ vốn góp để đầu tư mở rộng hoặc thành lập mới.

Đối với tiền thu từ thoái vốn cổ phần hóa, cần tính toán số vốn phải dành riêng để duy trì và phát triển các doanh nghiệp Nhà nước theo đúng chủ trương của Đảng, tránh tình trạng tiền thu được sử dụng cho đầu tư, cho các nhiệm vụ khác, khi cần để phát triển các doanh nghiệp Nhà nước thì không thu xếp được kinh phí.

Bên cạnh đó, cũng cần nhận thức việc thực hiện chủ trương thoái vốn cổ phần hóa thực chất là quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp đã đầu tư của Nhà nước, với mục tiêu là thu hồi vốn đã đầu tư từ các doanh nghiệp không then chốt, thiết yếu để chuyển sang đầu tư tại doanh nghiệp lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Vì vậy, việc cổ phần hóa, thoái vốn, sử dụng tiền thu được từ thoái vốn cổ phần hóa cần cân nhắc nội dung này.

*Biểu hiện của lợi ích nhóm

Đề cập đến nguyên nhân của những vi phạm trong lĩnh vực quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp dẫn đến hậu quả nặng nề khó khắc phục, một số vụ việc đã phải chuyển qua cơ quan điều tra xử lý hình sự, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thực hiện không triệt để chủ trương của Đảng về việc tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Leo Thị Lịch phát biểu. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Theo đại biểu, nhiều bộ, ngành không muốn rời xa các doanh nghiệp vốn được coi như là sân sau của mình. “Đây phải chăng là biểu hiện của lợi ích nhóm hay là nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích khi mà một số cơ quan quản lý nhà nước vừa đá bóng vừa thổi còi; không thực hiện khách quan trong xây dựng chính sách, nhất là chính sách đối với môi trường hoạt động của doanh nghiệp nói chung.

Từ đó, vừa làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước, vừa tạo ra sự ỷ lại, không chịu vươn lên của doanh nghiệp nhà nước, vừa làm méo mó môi trường cạnh tranh và gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như thực tiễn vừa xảy ra trong thời gian qua”, đại biểu Leo Thị Lịch đặt vấn đề.

Còn đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này xuất phát từ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước. Vấn đề này cần được nhìn nhận từ hai góc độ: góc độ của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và góc độ quản trị doanh nghiệp.

Đại biểu phân tích, từ góc độ của đại diện chủ sở hữu, có thể thấy phần lớn các doanh nghiệp này vẫn có bộ chủ quản hoặc chính quyền cấp tỉnh chủ quản. Các cơ quan quản lý nhà nước cùng lúc thực hiện hai chức năng nên dễ gây xung đột lợi ích trong việc ban hành chính sách với chỉ đạo thực hiện và kiểm tra giám sát. Cách thức thực hiện giám sát, đánh giá thực hiện chủ yếu căn cứ vào các báo cáo của doanh nghiệp nhà nước mang tính thống kê hơn là báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu của chủ sở hữu.

Để khắc phục các bất cập trên, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, trong từng doanh nghiệp Nhà nước, cần tạo lập 3 vòng kiểm soát theo thông lệ quốc tế. Thứ nhất, phát hiện và quản lý rủi ro trong hoạt động hàng ngày thông qua kiểm soát nội bộ. Thứ hai, theo dõi giám sát rủi ro trong toàn bộ doanh nghiệp thông qua hệ thống quản trị rủi ro. Thứ ba, kiểm toán nội bộ để bảo vệ tài sản vốn nhà nước kinh tế của nhà nước.

*Tách bạch giữa làm kinh doanh với làm công cụ chính sách xã hội

Liên quan đến việc giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ chính sách xã hội, đại biểu Leo Thị Lịch cho rằng, việc không thực sự tách bạch giữa làm kinh doanh với làm công cụ chính sách xã hội đã tạo gánh nặng cho doanh nghiệp Nhà nước trong việc phải lo gánh vác nhiệm vụ công ích, nhiệm vụ xã hội nặng nề hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác.

“Như vậy, không đánh giá được đầy đủ thực hiện hiệu quả kinh doanh thực sự của doanh nghiệp. Khi thua lỗ doanh nghiệp lại cho rằng mình phải lo làm nhiệm vụ chính sách mới như vậy.

Thời gian tới, tôi đề nghị tách bạch cho rõ phần thực hiện nhiệm vụ chính sách xã hội trong hoạt động kinh doanh của Nhà nước. Một mặt để doanh nghiệp bình đẳng cạnh tranh trên thị trường; mặt khác công khai hóa nhiệm vụ riêng để các loại hình doanh nghiệp khác cùng tham gia gánh vác và chia sẻ”, đại biểu Leo Thị Lịch kiến nghị.

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, Chính phủ cần có chính sách, phương thức quản lý, đánh giá phù hợp với những doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh theo cơ chế thị trường và doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư do không đáp ứng được yêu cầu về lợi nhuận. Hai loại doanh nghiệp này phải có chính sách khác nhau và cách ứng xử khác nhau./.

>> Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục