Nhiều cơ hội từ thị trường "khó tính" Hoa Kỳ và Mỹ Latinh

16:42' - 17/11/2015
BNEWS Theo Vụ thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đồng thời Việt Nam đang xuất siêu sang nước này.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Hải, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Tại "Diễn đàn xuất khẩu 2015: Giải pháp thâm nhập thị trường Hoa kỳ và Mỹ Latinh" tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17/11, mặc dù nhận định thị trường Hoa Kỳ và Mỹ Latinh luôn có nhiều thách thức và rào cản đối với hàng hóa Việt Nam, nhưng các chuyên gia và doanh nghiệp khẳng định, sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội hình thành nên lợi thế cạnh tranh và được tạo thuận lợi hơn trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Điển hình, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 36,3 tỷ USD vào năm 2014; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ lên tới gần 30,6 tỷ USD (tăng 24% so với năm 2013) và xuất siêu sang Hoa Kỳ.

Đánh giá về thị trường Hoa Kỳ trước tác động của TPP, ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương, cho biết, cơ hội mở ra khi TPP được ký kết, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh chính với Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu chưa có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Duy Khiên, nhấn mạnh, TPP mang lại cơ hội nhưng cũng tạo thêm một số thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam bởi sự cạnh tranh gây gắt trong sản xuất và xuất khẩu với doanh nghiêp nước ngoài tại Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Việt Nam gia công là chủ yếu.

Mặt khác, tại thị trường nội địa, hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu, trong đó có hàng hóa của Hoa kỳ, với những sản phẩm chất lượng tốt và đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.

Đơn cử, Hoa Kỳ rất mạnh trong lĩnh vực dịch vụ nên việc mở cửa thị trường đầu tư cũng tạo áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam về lĩnh vực này.

Khu vực Mỹ Latinh gồm 33 nước, dân số 600 triệu người. Về ngoại thương, khu vực Mỹ Latinh là nguồn cung nhiều sản phẩm quan trọng cho thị trường thế giới như khoáng sản và dầu mỏ, các mặt hàng chế tạo…

Khu vực này, cũng là thị trường lớn về sản phẩm sơ chế, hàng tiêu dùng. Hiện tại, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh tương đối cân bằng, trong đó các đối tác thương mại chính của Việt Nam tại khu vực này gồm: Brazil, Mexico, Chile, Colombia, Panama, Cuba, Peru, Argentina, Uruguay, Ecuador...

Sản xuất giày thể thao tại Công ty TNHH Thảo Nguyên, huyện Kim Thành (Hải Dương). Ảnh: Đình Huệ-TTXVN

Đại diện các đơn vị xúc tiến tại một số nước thuộc khu vực Mỹ Latinh cho biết, hiện nay, thị trường Mỹ Latinh có nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu thụ ở mức cao, phần lớn người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hàng nhập khẩu, phù hợp với hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, các nước Mỹ Latinh có chính sách kinh tế đối ngoại hướng về châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Luis Tsuboyama, Đại biện Đại sứ quán Peru tại Việt Nam, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Peru tăng trưởng cao liên tiếp trong một thập niên (2005 – 2015).

Từ khi thành lập Đại sứ quán Peru tại Việt Nam (năm 2013), các mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia đã được nâng lên và thị trường Peru được các doanh nghiệp Việt Nam biết đến ngày càng nhiều hơn.

Tham gia TPP, ngoài 10 sản phẩm chủ lực của Việt Nam đang được xuất khẩu sang Peru, Việt Nam còn có cơ hội xuất khẩu một số sản phẩm tiềm năng khác như nông sản, trái cây...

Trước những tác động của TPP, các chuyên gia cho rằng, hàng hóa Việt Nam có cơ hội rất lớn để thâm nhập hiệu quả vào các thị trường tiềm năng, nhưng nếu không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, hàng rào kỹ thuật và các tiêu chuẩn liên quan khác thì sản phẩm Việt Nam sẽ khó đáp ứng được nhu cầu thị trường, chứ đừng kỳ vọng đến sự "đột phá" trong thời gian tới.

Theo ông Lê Bền, Phó giám đốc Công ty TNHH Trí Tín, khi thâm nhập thị trường Hoa kỳ và Mỹ Latinh, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều nhận định là thị trường khắt khe, nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật về yêu cầu chất lượng hàng hóa.

Tuy nhiên, nếu xem những thách thức này là yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh, động lực thúc đẩy cải thiện chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thì doanh nghiệp sẽ nắm bắt được cơ hội phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, trở ngại thứ hai mà doanh nghiệp Việt Nam thường vướng khi tiếp cận thị trường Hoa kỳ và Mỹ Latinh là rào cản về thuế quan quá cao, nhưng tín hiệu tích cực của TPP cho phép doanh nghiệp kỳ vọng về những rào cản này sẽ được miễn giảm trong thời gian tới.

Nhận định nông sản Việt Nam, trong đó có trái cây các loại là mặt hàng đang được ưu chuộng tại các thị trường Hoa kỳ và Mỹ Latinh, Hàn Quốc... nhưng do hoạt động sản xuất và sản phẩm chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng nên khó thâm nhập thị trường.

Đóng gói sản phẩm khăn lông tại Tổng Công ty cổ phần Phong Phú. Ảnh: An Hiếu-TTXVN

Bà Phạm Thị Báu, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phước Hưng Khánh, cho biết: Công ty này, đang tập trung cho chiến lược xuất khẩu mặt hàng trái cây các loại vào thị trường Hoa kỳ và Mỹ Latinh, Hàn Quốc... nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội từ TPP.

Cụ thể, công ty này, đã liên kết với các nhà vườn, nông trại, nhằm khuyến khích nông dân sản xuất sản phẩm theo các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học lỹ thuật vào hoạt động nuôi trồng.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khẳng định, dù trước khi TPP hay hiện tại TPP chưa có hiệu lực, các nước tham gia TPP đều là những đối tác rất quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và kinh tế, xã hội nới chung.

Việt Nam đang có kim ngạch xuất khẩu cũng như chiếm thị phần tương đối lớn ở các thị trường này, đồng thời đây là những thị trường tiêu thụ các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu và thế mạnh của Việt Nam gồm nông sản, thủy sản, giày dép, dệt may, sản phẩm đồ gỗ, hàng công nghiệp...

Tuy nhiên, khi tham gia TPP, doanh nghiệp cần cải thiện hơn nữa năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm thuộc ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến, nông sản, thủy sản...

Theo ông Trần Tuấn Anh, các quốc gia và doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, phải có những mặt hàng đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế để đủ năng lực cạnh tranh trong thị trường thương mại tự do và ngay tại thị trường nội địa.

Ngoài ra, khi hội nhập càng sâu rộng vào thị trường thương mại tự do, những yếu tố về môi trường, sử dụng lao động, quyền sở hữu trí tuệ... ngày càng được xem trọng và được đòi hỏi như là những yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh./.

Mỹ Phương/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục