Nhiều điểm mới trong Luật Du lịch sửa đổi

17:44' - 31/05/2016
BNEWS Trong dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, ngành du lịch đã nêu ra nhiều vấn đề mới để Luật phù hợp hơn với thực tiễn.
Du khách nước ngoài tham quan Lăng Tự Đức (Thành phố Huế). Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Tổng cục Du lịch đang tiến hành lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về Luật Du lịch sửa đổi. Trong dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, ngành du lịch cũng nêu ra nhiều vấn đề mới để Luật phù hợp với thực tiễn... 

*Sửa đổi điều kiện kinh doanh lữ hành 

Trong Luật Du lịch 2005 quy định khá chi tiết điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế, nhưng quy định rất đơn giản điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa. Điều kiện kinh doanh lữ hành đang tồn tại nhiều mâu thuẫn cần tháo gỡ. Trong đó, pháp luật quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Trên thực tế, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế là một hình thức để cơ quan có thẩm quyền công nhận việc doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đã bảo đảm đủ các điều kiện kinh doanh (bao gồm cả việc ký quỹ đặt cọc để bảo đảm đền bù cho khách nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật). 

Nhưng với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa lại không yêu cầu phải có giấy phép, không phải ký quỹ đặt cọc, không quy định bắt buộc các doanh nghiệp lữ hành nội địa phải báo cáo về hoạt động. Như vậy là có sự không đồng bộ với hệ thống pháp luật và quy định của Luật Du lịch 2005. Điều này tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa và các đơn vị chức năng không thể quản lý được các doanh nghiệp này. Đã có những đơn vị kinh doanh lữ hành mà không thành lập doanh nghiệp, trái với Luật đầu tư... 

Do đó, riêng về điều kiện kinh doanh lữ hành, Luật Du lịch sửa đổi sẽ bổ sung đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh lữ hành cũng như các điều kiện bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư. Điều này cũng đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, có biện pháp quản lý hữu hiệu hoạt động lữ hành. Từ đó, các đơn vị chức năng sẽ tăng cường quản lý nhà nước để tránh hậu quả pháp lý do chỉ thực hiện công tác hậu kiểm; bảo đảm an toàn hơn đối với khách du lịch. 

*Điều chỉnh quy định thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch 

Hướng dẫn du lịch là một nghề tự do, người muốn hành nghề hướng dẫn du lịch phải đáp ứng các điều kiện và được cấp thẻ mới được hành nghề. 

Khách nước ngoài du lịch tại Việt Nam. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Điều 73 Luật Du lịch 2005 quy định “hướng dẫn viên được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành”. Tuy nhiên, trên thực tế thì một hướng dẫn viên có thể cùng một lúc ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp lữ hành miễn là họ không vi phạm các điều khoản quy định trong nội dung của hợp đồng. Vì vậy, nội dung này còn có ý nghĩa gì khi họ hành nghề tự do, chỉ nhận công việc theo từng đoàn khách cụ thể... 

Luật Du lịch 2005 quy định điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế cao hơn so với tiêu chuẩn nghề lao động, thực tế thì chỉ cần đáp ứng kỹ năng nghề là đạt yêu cầu. Luật Du lịch 2005 không quy định cụ thể hình thức đào tạo hay cách thức có chứng chỉ hướng dẫn nghiệp vụ du lịch (được xem là chứng chỉ nghề). 

Do đó, Luật Du lịch sửa đổi sẽ điều chỉnh cách thức đạt được chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch và hạ thấp tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Luật Du lịch sửa đổi sẽ điều chỉnh quy định, tạo cơ chế thông thoáng, thuận tiện hơn và thay đổi nhận thức về nghề hướng dẫn du lịch. Việc sửa đổi sẽ góp phần khắc phục hạn chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ASEAN và thực thi Thỏa thuận thừa nhận nghề lẫn nhau giữa các nước ASEAN đã ký kết. Thêm vào đó, Luật Du lịch sửa đổi sẽ tạo điều kiện để phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.../. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục