Nhiều doanh nghiệp cam kết áp dụng kế hoạch cấp nước an toàn

18:21' - 10/12/2017
BNEWS Mục tiêu mà kế hoạch cấp nước an toàn đặt ra là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...
Nhiều doanh nghiệp cam kết áp dụng kế hoạch cấp nước an toàn. Ảnh minh họa: TTXVN

Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện đã có các công ty cấp nước của 34 tỉnh, thành phố trên cả nước cam kết áp dụng kế hoạch cấp nước an toàn và đã thực hiện cấp nước an toàn theo Chương trình quốc gia về cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025.

Trong số đó, nhiều công ty cấp nước, nhất là những đơn vị đã thực hiện các mô hình cấp nước an toàn giai đoạn trước mong muốn tiến hành đánh giá và cấp chứng chỉ thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn. Đây là nhu cầu hợp lý của doanh nghiệp và được xem là động lực để mở rộng quy mô thực hiện cấp nước an toàn trên cả nước.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có hệ thống đánh giá, bao gồm cơ quan phụ trách việc đánh giá, đội ngũ đánh giá viên, tiêu chí và quy trình đánh giá phù hợp về công tác bảo đảm cấp nước an toàn; kết quả đánh giá cũng như các quy trình kiểm định chất lượng hoặc ghi nhận đối với các công ty cấp nước đã thành công trong việc thực hiện cấp nước an toàn cũng chưa được thực hiện... Do đó việc xây dựng tiêu chí và quy trình đánh giá là hết sức cần thiết.

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, việc đánh giá nhằm đạt được các mục tiêu như: xây dựng các tiêu chí, quy trình đánh giá, tiêu chí kiểm định chất lượng đối với thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn thông qua tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan; xác định cơ quan phù hợp phụ trách đánh giá và kiểm định chất lượng bảo đảm cấp nước an toàn cùng với điều khoản tham chiếu và năng lực cần được củng cố; xây dựng lộ trình thiết lập hệ thống và quy trình đánh giá; tiến hành các nghiên cứu đánh giá thí điểm.

Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận xét, nước sạch sau khi ra khỏi nhà máy có thể uống được trực tiếp, nhưng sau khi hòa vào hệ thống đường ống thì có nhiều nguy cơ tái nhiễm bẩn như: hệ thống đường ống cũ kỹ, đóng cặn hoặc rò rỉ, ảnh hưởng của các hoạt động tự nhiên và nhân tạo làm ô nhiễm nước như lũ lụt, khai khoáng, canh tác nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu), rác thải …

Để hạn chế những nguy cơ và rủi ro nói trên, cần có cách tiếp cận mới mang tính chủ động và hiệu quả hơn, đó chính là thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn. Bởi vậy, việc triển khai kế hoạch cấp nước an toàn nhằm xác định và quản lý toàn diện các rủi ro liên quan, xây dựng các rào chắn để đảm bảo chất lượng nước cũng như kết hợp nhiều biện pháp kỹ thuật và quản lý để đảm bảo cấp nước an toàn.

Mục tiêu mà kế hoạch cấp nước an toàn đặt ra là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đồng thời mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp cấp nước về cải thiện hiệu quả vận hành, giảm thất thoát, thất thu, tiết kiệm chi phí…/.

>>> Hà Nội chỉ có gần 40% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục