Nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động

19:19' - 29/12/2015
BNEWS Liên tiếp trong vài tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp ở khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã "Than ngắn, thở dài" vì tình trạng khó tuyển dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp FDI.
Những doanh nghiệp này luôn đòi hỏi sử dụng nhiều lao động phải là nữ giới và trẻ trung, chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 18 đến 30. Ảnh: TTXVN

Liên tiếp trong vài tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp ở khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã "Than ngắn, thở dài" vì tình trạng khó tuyển dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động sản xuất trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử nhỏ gọn, may mặc, giầy da...

Bởi do đặc điểm ngành nghề, những doanh nghiệp này luôn đòi hỏi sử dụng nhiều lao động phải là nữ giới và trẻ trung, chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 18 đến 30.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 3.119 doanh nghiệp có báo cáo về tình hình sử dụng lao động, với trên 124.400 lao động.

Trong đó, 38 doanh nghiệp có vốn nhà nước, sử dụng gần 5.000 lao động; 146 doanh nghiệp FDI sử dụng trên 61.500 lao động; 2.935 doanh nghiệp dân doanh sử dụng trên 57.800 lao động.

Đối với lao động ở các doanh nghiệp FDI ở các khu công nghiệp sử dụng lao động nữ luôn cao hơn so với nam giới, chiếm tới 65 - 70%, với ngành nghề may mặc, giầy da, may công nghiệp, sản xuất linh kiện điện tử nhỏ gọn chiếm tới trên dưới 95% là nữ.

Tính hết tháng 11/2015, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 89 doanh nghiệp đã báo cáo tuyển dụng với hơn 7.400 lao động và 89 doanh nghiệp này cũng thông báo chấm dứt gần 4.900 lao động với các lý do nghỉ hưu, hết thời hạn hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng, sa thải, bỏ việc...

Thời gian qua, các doanh nghiệp nêu trên thường xuyên thông báo tuyển dụng lao động, nhưng công tác tuyển dụng gặp nhiều khó khăn do cùng lúc nhiều doanh nghiệp thông báo, mời gọi để công tác tuyển lao động đạt hiệu quả cao.

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi làm việc với 16 doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trong vấn đề tuyển lao động trên địa bàn.

Đại diện các Công ty Hesung Vina, khu công nghiệp Khai Quang; Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc TAL; Công ty TNHH Lợi Tín, huyện Lập Thạch; Công ty KLW Việt Nam, thị xã Phúc Yên; Công ty Prime Group... đều cho rằng: Hiện nay lao động trong các doanh nghiệp này vừa thiếu vừa yếu, chất lượng lao động không đảm bảo do phần lớn lao động là nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ; trình độ tay nghề còn hạn chế.

Đặc biệt, cái khó đối với các doanh nghiệp còn là giữ chân người lao động, bởi nhiều công nhân sau khi được doanh nghiệp đầu tư kinh phí cử đi đào tạo, nâng cao tay nghề đã thôi việc để chuyển sang làm tại các doanh nghiệp khác có thu nhập cao hơn.

Hiện, không ít doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc thiếu từ 300 đến 500 lao động, thậm chí có doanh nghiệp thiếu tới hàng ngàn lao động nữ nhưng không thể tuyển dụng trong thời điểm này.

Ở những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động này thường mức thu nhập thấp hơn mức bình quân so với các ngành nghề trong tỉnh, phổ biến trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: TTXVN

Đánh giá tổng thể về việc khó tuyển dụng, thiếu lao động làm việc cho các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc đại diện các ngành chức năng, người làm công tác quản lý lao động trong tỉnh cho rằng: Những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, may mặc, giầy da....là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có doanh nghiệp sử dụng tới vài ngàn lao động chủ yếu là nữ.

Ở những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động này thường mức thu nhập thấp hơn mức bình quân so với các ngành nghề trong tỉnh, phổ biến trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng.

Mỗi khi các tỉnh, thành lân cận có nhiều doanh nghiệp thành lập, đương nhiên họ sẽ có nhiều chế độ ưu đãi về tiền công, tiền lương, thưởng... để lôi kéo lao động từ Vĩnh Phúc về các tỉnh, thành.

Trên thực tế, một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp gần với Vĩnh Phúc như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội đang rất thiếu lao động và tìm mọi cách để tuyển dụng.

Để tháo gỡ khó khăn trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc chi trả tiền lương; quan tâm hơn nữa đến chế độ nghỉ lễ, Tết, chế độ thai sản cho người lao động.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tăng cường công tác phối hợp với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng và có chính sách hỗ trợ hợp lý cho các doanh nghiệp. Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm trường hợp cán bộ chỉ định cơ sở khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải, chất thải, cây xanh, cảnh quan môi trường và xây dựng nơi vui chơi, giải trí, hệ thống trường mầm non để phục vụ người lao động tốt hơn.

Vĩnh Phúc đề nghị các sàn giao dịch lao động việc làm, người làm công tác nhân sự ở doanh nghiệp, cán bộ tổ chức nhân sự... chấm dứt việc tiêu cực trong tuyển dụng, nhất là yêu cầu người lao động bỏ tiền ra để mua việc làm, dừng chạy việc ở nơi an nhàn mà có thu nhập khá.../. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục