Nhiều giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông

17:47' - 01/06/2017
BNEWS Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ.
Nhiều giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Hiện nay, tai nạn giao thông đường bộ đang có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng còn rất khó khăn, các phương tiện tăng nhanh cả về số lượng và lưu lượng. Nhìn chung, tai nạn giao thông có giảm, nhưng giảm ở mức độ thấp, tính chất không ổn định.

Qua phân tích, tai nạn giao thông xảy ra vào buổi tối (từ 18 giờ - 24 giờ) chiếm đến 41% số vụ, lỗi do vượt làn, lấn làn, đi không đúng phần đường chiếm đến 34%; tai nạn giao thông do không đảm bảo khoảng cách, gây tai nạn giao thông liên hoàn có xu hướng ngày càng tăng.

Ngoài ra, tình trạng vi phạm tốc độ, lạng lách của xe khách, xe tải (đặc biệt xe ben) khá phổ biến, một số vụ tai nạn giao thông do xe đỗ đêm dọc đường; tai nạn giao thông do xe máy ở mức cao, đặc biệt các lỗi luồn lách, rẽ ngay đầu xe khác; tai nạn tại các điểm mù của ô tô khá phổ biến tại các đô thị, các nút giao thông.

Để bảo đảm tai nạn giao thông giảm đạt chỉ tiêu từ 5 - 10% theo Nghị quyết của Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị trong phạm vi trách nhiệm của mình, cố gắng, quyết liệt hơn nữa thực hiện nhiệm vụ được giao; trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Về công tác tuyên truyền, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền về các nguy cơ cao gây tai nạn giao thông như: tốc độ tối đa cho phép; khoảng cách xe khi lưu thông; buồn ngủ và mệt mỏi khi lái xe; uống rượu, bia khi lái xe; lấn làn, nhập làn từ đường nhánh vào đường chính, vượt xe, vượt ẩu....

Đặc biệt tai nạn giao thông xảy ra vào buổi tối rất cao nên cần tuyên truyền, khuyến khích việc hạn chế ra đường vào buổi tối khi không cần thiết; khi ra đường có đèn hoặc gắn giấy, vải phản quang vào xe, quần áo, các vật dụng. Tuyên truyền về điểm mù của phương tiện để lái xe và người tham giao giao thông biết và cảnh giác.

Về công tác tổ chức giao thông, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; đồng thời thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và cập nhật các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh rà soát và ưu tiên nguồn lực điều chỉnh, chỉnh trang hệ thống báo hiệu đường bộ, bảo đảm dễ nhìn, dễ hiểu và dễ chấp hành (ưu tiên vạch tim, vạch phân làn đường, gờ giảm tốc các đường ngang).

Bổ sung các biển chỉ dẫn hướng đi, đặc biệt tại ngay vị trí lối ra trên đường cao tốc; tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng (chính quyền địa phương và cơ quan công an), phát hiện, xử lý những bất cập về đèn tín hiệu, về biển báo, sơn kẻ đường.

Duy trì hoạt động của đường dây nóng đến từng đơn vị quản lý đường, qua đó tiếp nhận phản ánh của người tham gia giao thông về bất cập tổ chức giao thông, kịp thời xử lý các vi phạm, nâng cao an toàn giao thông.

Ngoài ra, Chỉ thị cũng yêu cầu trong công tác quản lý kết cấu hạ tầng và bảo trì đường bộ, các đơn vị của Tổng cục, các Sở Giao thông Vận tải phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện công tác lập lại trật tự hành lang đường bộ; tập trung giải tỏa tình trạng đấu nối, tôn cao, đào xẻ, tập kết vật liệu trong lòng lề đường để đảm bảo các phương tiện có thể đi ra lề khi cần thiết; khơi thông cống, rãnh và các cửa xả (không để tình trạng lấn chiếm hay cấp đất vào dòng chảy); giải tỏa ngay cây cối, lều quán, biển quảng cáo, pa nô, băng rôn, dây điện lắp đặt trái phép; ngăn chặn tình trạng trồng cây, lắp dựng chướng ngại vật trong phạm vi tầm nhìn…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục