Nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung

11:13' - 19/08/2017
BNEWS Đại diện UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh đang thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây không nung và chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây không nung bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường được hỗ trợ 30% lãi suất cho vay tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước trong 3 năm để đầu tư dây chuyền với mức tối đa 150 triệu đồng/năm; hoặc được hỗ trợ tối đa 40% chi phí ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất vật liệu xây không nung, nhưng không quá 170 triệu đồng/dự án.

Đối với hoạt động chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công, tổ chức hoặc cá nhân được hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò với mức: 10 triệu đồng với lò có công suất dưới 0,4 triệu viên/năm; 15 triệu đồng với lò có công suất từ 0,4-0,65 triệu viên/năm và hỗ trợ 20 triệu đồng/lò với lò có công suất trên 0,65 triệu viên/năm.

Người lao động tại các lò sản xuất gạch đất nung thủ công được xét hỗ trợ để ổn định đời sống với mức 210.000 đồng/người/tháng trong 12 tháng, với số lượng từ 5-9 người/lò tùy công suất; đồng thời được hỗ trợ đào tạo nghề theo đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh cho biết, Trà Vinh hiện có 21 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, với 42 lò, có tổng công suất hơn 30 triệu viên/năm.

Việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế dần gạch đất sét nung nhằm tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường.

Theo lộ trình thuộc Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 do UBND tỉnh ban hành, năm 2015, Trà Vinh chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung khá lớn, trong khi thị trường tiêu thụ các sản phẩm vật liệu không nung hiện nay chủ yếu là công trình được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước. Từ đó, các doanh nghiệp e ngại không mạnh dạn đầu tư.

Từ năm 2014 đến nay, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ tổng số tiền 670 triệu đồng cho 4 doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư thiết bị, máy móc sản xuất gạch không nung, với tổng công suất đạt khoảng 15 triệu viên/năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục