Nhiều hợp tác xã có nguy cơ giải thể do chậm cấp bù thủy lợi phí

12:34' - 15/10/2015
BNEWS Nhiều hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đang gặp khó khăn và có nguy cơ phải giải thể. Nguyên nhân là do việc chậm cấp bù thủy lợi phí theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Năm 2006, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 trạm bơm điện đã có tại địa phương, phục vụ tưới cho hơn 1.000 ha lúa nước của 1.480 hộ nông dân ở thị trấn Buôn Trấp và xã Bình Hòa.

Ba trạm bơm được vận hành hiệu quả, năng lực tưới vượt trội đã giúp nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất, đồng ruộng liên tục được mùa nên bà con tin tưởng vào hoạt động của đơn vị.

         Do thiếu kinh phí, nhiều hợp tác xã có thể sẽ không có nước tưới. Ảnh: TTXVN

Gia đình chị Huỳnh Thị Hiền, thôn 1, xã Bình Hòa có 2 ha ruộng trồng lúa. Do ruộng là đất cát pha nên phải tốn nhiều chi phí mua xăng dầu bơm nước phục vụ sản xuất. Năm nào hạn nặng coi như vụ đó làm không công.

Từ khi ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ thủy lợi với Hợp tác xã Quyết Tiến, gia đình chị Hiền yên tâm sản xuất, năng suất lúa luôn đạt cao và ổn định. “Đến vụ đổ ải chỉ cần nói ruộng khô rồi là Hợp tác xã đưa nước về, phân chia cho các chân ruộng rất đều. Nếu không có Hợp tác xã, 40 hộ dân làm ruộng trên cánh đồng này chắc vụ nào cũng làm không công”, chị Hiền cho hay. 

Thế nhưng ông Trần Hữu Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Quyết Tiến cho biết, vụ mùa tới, Hợp tác xã sẽ không thể tiếp tục phục vụ nguồn nước tưới cho người dân do thiếu kinh phí.

Những năm trước, Hợp tác xã ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ dân trong việc quản lý, khai thác, bảo vệ tu sửa và điều tiết nước đến ruộng. Nhưng từ năm 2008, nhà nước thực hiện miễn, giảm thủy lợi phí cho người dân thì vấn đề thu - chi trở nên khó khăn.

Theo Nghị định 67/2012/NĐ-CP của Chính phủ về mức cấp bù thủy lợi phí, người dân chỉ đóng một phần tiền dịch vụ sau cống đầu kênh là 750 nghìn đồng/ha, nhà nước cấp bù 1,629 triệu đồng/ha để hỗ trợ. Tuy nhiên, tiền cấp bù thủy lợi phí luôn chậm trễ.

Năm 2014, hợp tác xã Quyết Tiến được nhà nước ưu đãi khoản kinh phí cấp bù thủy lợi phí hơn 1,7 tỷ đồng, nhưng đến nay mới được giải ngân 870 triệu đồng.

Năm 2015 đã qua hai vụ sản xuất nhưng Hợp tác xã vẫn chưa nhận được đồng nào. “Đến giờ Hợp tác xã đang còn nợ tiền điện hơn 300 triệu đồng, nợ lương công nhân nhiều tháng. Cứ tình trạng như thế này, không chỉ riêng Hợp tác xã Quyết Tiến mà nhiều hợp tác xã khác cũng không hoạt động được. Trong khi đó, muốn vay vốn tái đầu tư, các ngân hàng lại gây khó khăn về thủ tục”, ông Tiến nói.

Hợp tác xã Quyết Tiến chỉ là 1 trong 7 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của huyện Krông Ana đang bị nợ tiền cấp bù thủy lợi phí năm 2014 với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng. Năm 2015 các đơn vị này vẫn chưa nhận được tiền.

Tại nhiều hợp tác xã, các thành viên hội đồng quản trị phải đi "vay nóng" hoặc cầm cố nhà để lấy tiền trả tiền điện và các dịch vụ khác. Các hợp tác xã cho biết, nếu thời gian tới việc cấp bù thủy lợi phí không được giải quyết, nguy cơ ngừng hoạt động là rất cao.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân nơi đây, nhất là khi vụ Thu - Đông đang đến gần và tình trạng khô hạn vẫn diễn ra gay gắt.

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana cho biết, Phòng chỉ có trách nhiệm thống kê lại diện tích các hợp tác xã nông nghiệp đã thực hiện, sau đó tham mưu cho UBND huyện để báo cáo chi trả tiền thủy lợi phí được cấp bù.

Vấn đề cấp tiền là do Phòng Tài chính huyện cấp cho các hợp tác xã theo phân bổ của tỉnh. Ông cũng thừa nhận là nếu không kịp thời cấp bù thủy lợi phí thì các hợp tác xã nông nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của địa phương trong vụ tới.

Anh Dũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục