Nhiều loài chim ở Indonesia đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng

07:01' - 21/07/2016
BNEWS Mạng lưới Giám sát buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC cảnh báo 13 loài chim cư trú ở Indonesia, bao gồm chim diều Javan – quốc điểu của đất nước này.
Chim diều Javan – quốc điểu của Indonesia. Ảnh: thejakartapost

Mạng lưới Giám sát buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC cảnh báo 13 loài chim cư trú ở Indonesia, bao gồm chim diều Javan – quốc điểu của đất nước này, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do tình trạng buôn bán làm thú nuôi.

Quần đảo Indonesia rộng lớn là nơi cư trú của vô số loài chim. Việc người dân nước này giữ chúng như thú nuôi từ lâu đã trở thành một nét văn hóa và những lồng chim bên ngoài mỗi căn nhà hay cửa hàng đã trở thành hình ảnh phổ biến khắp đất nước.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của TRAFFIC cho thấy sự gia tăng nhu cầu với một số loài chim đã dẫn đến sự sụt giảm số lượng cá thể chim ở quốc đảo này, cũng như ở các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia và Thái Lan.

Ngoài bị bắt làm vật nuôi, một loài chim khác cũng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì bị săn lùng là Helmeted Hornbill.

Hàng nghìn cá thể loài này đã bị giết để lấy chiếc "mũ sắt” đặc biệt của chúng – một bướu sừng nằm trên mỏ trên, choán hết đầu chim - nhằm thay thế cho ngà voi, đáp ứng nhu cầu thị trường Trung Quốc.

Giám đốc TRAFFIC khu vực Đông Nam Á, đồng tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Chris Shepherd nhấn mạnh đây là ngành công nghiệp "hốt ra bạc" với doanh thu lên tới hàng triệu USD, có yếu tố tội phạm lớn và nhiều người đang thu lợi bất hợp pháp từ việc kinh doanh này.

Theo ông, các nỗ lực triệt phá đường dây buôn bán chim hoang dã của Chính phủ Indonesia vẫn chưa đủ mạnh mẽ.

Báo cáo của TRAFFIC cũng đưa ra một loạt các giải pháp nhằm đối phó với vấn đề này, bao gồm cả việc tăng cường thực thi pháp luật và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng.

Ở Indonesia, săn bắt và buôn bán chim hoang dã là hành vi bất hợp pháp song các chợ buôn bán chim lớn vẫn hoạt động khá ngang nhiên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục