Nhiều rào cản trong đấu thầu qua mạng

14:38' - 08/09/2015
BNEWS Các nhà thầu vẫn có thói quen “đi đêm” với chủ đầu tư hoặc bên mời thầu trong khi đấu thầu qua mạng là quá trình minh bạch và mang tính cạnh tranh. Thói quen này làm nảy sinh nhiều vấn đề.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác đấu thầu qua mạng đã được triển khai thí điểm tại Việt Nam gần 6 năm. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều rào cản trong triển khai đấu thầu qua mạng.

Theo ông Nguyễn Sơn, ngay khi Luật Đấu thầu năm 2013 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2015, số lượng các nhà thầu đăng ký thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tăng lên một cách đột biến so với trước.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận nhà thầu lại không muốn tham gia phương thức đấu thầu mới và hiện đại này bởi phương thức này quá minh bạch, cạnh tranh, trong khi họ vẫn có thói quen là thích nhận được những hợp đồng thông qua con đường quan hệ thân quen, “đi đêm” với chủ đầu tư, bên mời thầu.

Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, sự tham gia đấu thầu qua mạng của các bên vẫn còn nhiều hạn chế và rào cản; trong đó chủ yếu là về mặt tâm lý và văn hóa, không muốn mất đi quyền kiểm soát…

Để triển khai thành công đấu thầu qua mạng, ông Nguyễn Sơn cho rằng, chỉ bên mua (bên mời thầu) và bên bán (nhà thầu) là chưa đủ, mà cần có tham gia phối hợp của nhiều bên có liên quan, kể cả gián tiếp và trực tiếp.

Bên cạnh những hạn chế từ phía bên mời thầu và nhà thầu, nhiều ý kiến khác đã cho rằng, các hạn chế của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện nay là do công nghệ, chức năng kết nối thông tin, nguồn lực, đào tạo, truyền thông...

Ông Nguyễn Sơn cho biết, Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để vận hành và nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo hình thức hợp tác công – tư (PPP). Việc huy động khu vực tư nhân tham gia đầu tư Hệ thống sẽ tận dụng những năng lực về tài chính, kỹ thuật và vận hành, đào tạo, truyền thông… của khu vực này.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để thực hiện đấu thầu qua mạng một cách bài bản, cần phải có sự tham gia của nhiều bên liên quan, kết nối với nhiều hệ thống khác, chứ không chỉ có bên mua và bên bán.

Chẳng hạn, cơ chế giải ngân vốn liên quan đến Bộ Tài chính; cơ chế bảo đảm dự thầu, thanh toán… cần có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại; dữ liệu về nhà thầu liên quan đến thông tin về đăng ký doanh nghiệp, thông tin về thuế, hải quan… Do đó, hệ thống đấu thầu qua mạng cần có sự tích hợp và kết nối đầy đủ các chức năng trên.

Bên cạnh đó, việc triển khai đấu thầu qua mạng nên thống nhất về một mối với “cơ chế một cửa”, xây dựng một hệ thống đấu thầu qua mạng tích hợp và duy nhất. Do đó, ngay từ bây giờ, các bên liên quan nên có sự phối hợp, tương tác lẫn nhau để cùng nhau xây dựng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tích hợp đầy đủ các chức năng, hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy triển khai mạnh mẽ đấu thầu qua mạng tại Việt Nam trong thời gian tới…/.

Thúy Hiền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục