Nhiều rào cản trong thực hiện Nghị định 67

17:11' - 19/08/2015
BNEWS Nghị định 67/2014/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để ngư dân cải thiện năng lực đội tàu thuyền theo hướng vươn ra khơi bám biển dài ngày. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định này vẫn đang "dẫm chân tại chỗ" do nhiều rào cản.

Gắn trọn cuộc đời với nghề đi biển, lão ngư Nguyễn Riện ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành luôn ước ao có chiếc tàu công suất lớn được trang bị thiết bị đi biển hiện đại để bám biển dài ngày. Vì thế, ngay sau khi Nghị định 67/2014 NĐ-CP của Chính phủ ban hành, lão ngư Nguyễn Riện là một trong những ngư dân đầu tiên của tỉnh Quảng Nam làm đơn xin vay vốn từ nguồn vốn vay ưu đãi này.

Thế nhưng những thủ tục để tiến tới ký kết hợp đồng với ngân hàng, thủ tục vay vốn để mua lại tài sản ngư lưới cụ sẵn có từ tàu cũ, thủ tục hợp đồng tư vấn thiết kế gặp nhiều vướng mắc khiến cho việc triển khai đóng mới tàu cá của ông không thể triển khai được trong gần năm qua.

Một trong những tàu được đóng theo Nghị định 67 tại Quảng Nam. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Là một trong những ngân hàng được giao nhiệm vụ cung cấp vốn cho ngư dân vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014 NĐ-CP của Chính phủ, bà Vũ Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư Phát triển Chi nhánh Quảng Nam cho biết, có nhiều khó khăn ngư dân đang gặp phải ngân hàng đang tìm cách tháo gỡ. Thứ nhất, bà con đang sở hữu tàu cá có công suất dưới 400CV, trong khi đó Nghị định 67/2014 NĐ-CP chỉ ưu tiên cho vay vốn đóng tàu có công suất từ 400CV trở lên.

Khó khăn nữa là thiết bị ngư lưới cụ trên tàu là thiết bị cũ, bà con ngư dân có nguyện vọng vay vốn để mua lại những thiết bị này nhưng đây là công việc khó khăn với ngân hàng vì ngân hàng chưa từng tiếp xúc với việc định giá những thiết bị ngư lưới cụ cũ này. Ngoài ra, phần lớn bà con ngư dân chưa “hoạch định” được khả năng hoàn trả vốn vay cho ngân hàng sau khi phương tiện được đưa vào khai thác.

Tỉnh Quảng Nam được phân bổ 92 tàu thuyền công suất lớn đóng mới từ nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67/2014 NĐ-CP của Chính phủ; trong đó có 53 tàu vỏ gỗ, 30 tàu vỏ thép và 9 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, do những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án như: Việc chọn lựa đơn vị tư vấn thiết kế giám sát, đơn vị thi công đóng mới tàu vỏ sắt, vỏ gỗ là những việc ngư dân chưa bao giờ biết đến. Bên cạnh đó, các thủ tục và những yêu cầu có tính ràng buộc cao của ngân hàng; những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn đối ứng khá cao… đã khiến nhiều ngư dân không biết xoay xở vào đâu.

Chính vì những lý do trên nên trong tổng số 78 dự án đóng mới tàu cá đã được phê duyệt mới chỉ có 11 dự án đủ điều kiện để được giải ngân từ nguồn vốn vay ngân hàng. Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, khó khăn thứ nhất là việc tìm đơn vị tư vấn, thiết kế. Tất cả công việc này đều do ngư dân tự thân vận động nên đẩy chi phí lên cao. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay để đóng mỗi chiếc tàu khá lớn nên ngân hàng cũng dè dặt. Ngoài ra, nguồn vốn đối ứng cho mỗi dự án đóng mới tàu thuyền đều khá cao so với nhiều gia đình ngư dân…

Trước những rào cản khiến việc triển khai Nghị định không như mong muốn, ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, để tháo gỡ những khó khăn cho ngân hàng và cho hộ ngư dân nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định 67/2014 NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã giao cho Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng tuần đều tổ chức giao ban với các ngân hàng thương mại để giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện các hồ sơ vay vốn. Các hồ sơ vay vốn của ngư dân có vướng mắc chỗ nào yêu cầu các ngân hàng trả lời ngay để ngư dân điều chỉnh để đưa dự án vào thực hiện.

Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ đề nghị Trung ương sớm bổ sung Nghị định 67/2014 NĐ-CP quy định lại thời gian vay vốn dài hơn so với 11 năm như hiện nay để đáp ứng được khả năng trả nợ của bà con ngư dân. Đối với nguồn vốn đối ứng (30% so với tàu vỏ gỗ và 5% so với tàu vỏ thép), thay vì yêu cầu ngư dân đóng một lần, tỉnh đã đề nghị ngân hàng cho ngư dân góp vốn đối ứng tương ứng với từng đợt giải ngân, chủ trương này đã được ngư dân đồng tình ủng hộ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Ngô Tấn cũng khẳng định, giảm bớt các thủ tục liên quan đến việc lập hồ sơ dự án, các điều kiện vay vốn ngân hàng; kéo dài thời gian sử dụng vốn vay để ngư dân có thêm điều kiện trả nợ vốn vay. Đồng thời nới rộng thời gian, số lần đóng góp vốn đối ứng cũng như hỗ trợ ngư dân trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát đóng tàu… chính là lời giải cho bài toán dẫm chân tại chỗ của Nghị định 67/2014 NĐ-CP của Chính phủ trong thời gian qua./.

Đoàn Hữu Trung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục