Nhiều thách thức trong vòng đàm phán thứ ba về Brexit giữa Anh và EU

10:56' - 29/08/2017
BNEWS Vòng đàm phán thứ ba về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã chính thức bắt đầu chiều 28/8 và kéo dài đến 31/8,.
Vòng đàm phán thứ 3 về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã chính thức bắt đầu chiều 28/8 và kéo dài đến 31/8 tại Brussels, với những động thái khởi động từ hai trưởng đoàn đàm phán phía EU Michel Barnier (phải) và phía Anh David Davis (trái). Ảnh: EPA/ TTXVN

Vòng đàm phán thứ ba về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã chính thức bắt đầu chiều 28/8 và kéo dài đến 31/8, với việc khởi động của hai trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier và phía Anh David Davis.
Trưởng đoàn đàm phán EU Barnier cho biết EU đã tiếp nhận và xem xét rất cẩn thận những hồ sơ được Chính phủ Anh cung cấp. EU mong muốn hiểu rõ tất cả quan điểm của Anh trên các vấn đề còn mâu thuẫn.

Ông Barnier khẳng định, đây là điều cần thiết để đạt được tiến bộ trong tiến trình đàm phán, đồng thời cho rằng hai bên cần phải bắt đầu thương lượng một cách nghiêm túc và EU cần hồ sơ của Anh để tiến hành đàm phàn một cách xây dựng.

Theo Trưởng đoàn đàm phán của EU, việc hai bên càng giải quyết sớm những vấn đề còn mập mờ thì càng có nhiều thời gian hơn để thảo luận về mối quan hệ trong tương lai cũng như giai đoạn chuyển tiếp.

Hội đồng châu Âu đã đưa ra phương hướng rõ ràng về các bước đàm phán và tương lai quan hệ hai bên.
Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán Anh Davis cho biết London đã công bố quan điểm của mình trên nhiều vấn đề quan trọng.

Phía Anh muốn tiến hành các cuộc thảo luận kỹ thuật về tất cả các vấn đề liên quan đến "cuộc ly dị".

Người Anh muốn chốt lại những điểm đã thống nhất và thảo luận thêm về những nội dung còn khúc mắc để có thể đạt được tiến bộ ngay trong tuần đàm phán này.

Nước Anh muốn đạt thỏa thuận mang lại lợi ích tối đa cho cả hai phía, và ông Davis nhấn mạnh để đạt được điều này thì cả hai bên cần tỏ ra linh hoạt và mềm dẻo trong đàm phán.
Theo lịch trình của vòng đàm phán lần này, EU chờ đợi các cuộc thảo luận về vấn đề tất toán các tài khoản khi Anh rời khỏi EU, bắt đầu bằng nội dung trình bày của Anh về những phân tích về mặt pháp lý của phía Anh về khoản tiền mà họ có nghĩa vụ phải trả.

Phía EU đã đưa ra các nguyên tắc về nghĩa vụ thanh toán tài chính của Anh từ hồi tháng Năm.

Các nhà đàm phán sẽ thảo luận về các tài sản nợ của Ngân hàng Đầu tư châu Âu cũng như các yếu tố khác không thuộc phạm vi quản lý của ngân sách châu Âu như các khoản đóng góp của Anh vào Quỹ Phát triển châu Âu.

EU cũng mong muốn nhóm đàm phán của Anh đưa ra được phương thức tính toán của họ để xác định các khoản mà Anh có nghĩa vụ thanh toán - điều mà đến nay nước này vẫn từ chối.

Theo chương trình dự kiến, hai bên sẽ dành ra ba phiên để thảo luận về các vấn đề tài chính.
Điểm khác biệt chính hiện nay giữa hai bên trong quá trình đàm phán liên quan đến một số vấn đề về tính hiệu lực trực tiếp và việc thực hiện luật pháp EU tại Anh.

Một điểm còn bất đồng khác trong quá trình đàm phán bao gồm việc áp dụng luật nhập cư của Anh cho những thành viên của gia đình công dân châu Âu sinh sống tại Anh.

Đối với vấn đề này, EU muốn giữ các quyền của các thành viên tương lai của gia đình dựa trên luật của EU. Còn phía Anh muốn mọi công dân phải được áp dụng một quy chế do nước Anh thiết lập, nhưng EU đang tìm cách thay đổi quan điểm này.

EU cũng mong muốn tìm được đồng thuận về việc hợp tác về an sinh xã hội, quy chế của người lao động và việc chấp nhận trình độ chuyên môn.
Liên quan đến vấn đề đường biên giới, EU mong muốn có các thông tin chính thức và chi tiết hơn về cách mà EU có thể bảo toàn được sự hợp tác Bắc-Nam tại Ireland, với việc bảo vệ Thỏa thuận ngày thứ 6 - hiệp định ký năm 1998 và vùng tự do đi lại chung.

EU muốn đạt được một sự dàn xếp chính trị dựa vào đó Anh chấp nhận trách nhiệm về những hệ quả trên đảo Ireland do quyết định rời khỏi EU của mình.

27 nước thành viên cho biết không ràng buộc giữa tiến trình hòa bình và các mối quan hệ thương mại tương lai.
Ngoài các vấn đề nêu trên, các phiên thảo luận cũng sẽ tập trung vào các chương trình năng lượng hạt nhân của Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục