Nhiều ứng dụng khoa học trong ngành chăn nuôi đạt hiệu quả cao

14:35' - 12/07/2016
BNEWS Theo Bộ NN&PTNN, từ đầu năm đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học nổi bật và phần lớn đã được ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất trong ngành chăn nuôi.
Nhờ có đầu tư khoa học chọn lọc và cải tiến quy trình chăn nuôi, đến nay, năng suất trứng thịt của các giống gà nội trên được cải thiện đáng kể. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học nổi bật và phần lớn đã được ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất trong ngành chăn nuôi tại các vùng sinh thái trên cả nước.

Cụ thể, về gia cầm đã thành công trong chọn lọc nâng cao các tính trạng và phát triển nguồn gen bản địa vào sản xuất các giống gà nội có chất lượng thịt, trứng thơm ngon như gà Ri, gà Mía, gà Đông Tảo, gà Ác, gà H'Mông... Nhờ có đầu tư khoa học chọn lọc và cải tiến quy trình chăn nuôi, đến nay, năng suất trứng thịt của các giống gà nội trên được cải thiện đáng kể.

Tỷ lệ nuôi sống trước đây chỉ đạt 50-60% nay đã nâng lên 90-95%; sản lượng trứng trước đây 60-70 quả/mái/năm nay đã nâng lên từ 75-128 quả/mái/năm, tăng 25 - 53%.

Bên cạnh đó, chọn tạo được 3 dòng gà VP3, VP4, VP5; sản lượng trứng 64 tuần tuổi đạt 156-158 quả. Các dòng gà TP1, TP2, TP3, HA1, HA2, RA... là các dòng và tổ hợp lai được thị trường ưa chuộng do có năng suất cao, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi từ 15-20%.

Các dòng gà này đang được phát triển mạnh ở các vùng gò đồi như Bắc Giang, Lạng Sơn... và đặc biệt các mô hình lớn tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương... Hiện nay, các giống vịt cao sản chuyên thịt cung cấp tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 65% thị phần.

Đối với lợn, từ đầu năm đến nay, đã chuyển giao quy trình đánh giá di truyền liên kết nguồn gen các cơ sở giống quốc gia với quy mô trên 100 nái GGP (giống cụ kỵ) cho 3 cơ sở giống lợn quốc gia.

Tiến độ di truyền về năng suất sinh sản đã tăng 0,25 con/ổ và số ngày nuôi để đạt 100 kg đã giảm 3,5 ngày. Dự kiến, hàng năm đàn nái GGP đã đánh giá di truyền tại các cơ sở giống quốc gia đã sản xuất và chuyển giao trên 4.000 con nái GP (giống ông bà) và trên 500 con đực giống.

Bên cạnh đó, chọn lọc thành công dòng lợn nái VCN08 là nguyên liệu lai tạo một số dòng cao sản bởi đây là giống lợn có năng suất sinh sản cao; chọn tạo thành công 3 tổ hợp lai đực cuối (DxPD, DL, PL) đã chuyển giao ra sản xuất 550 con lợn đực giống trên...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ kết quả trên, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường chuyển giao các ứng dụng hoa học công nghệ có hiệu quả trong thực tiện và đồng thời, nhân rộng các ứng dụng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục