Nhiều vấn đề phát sinh trong các dự án BOT, BT trọng điểm tại Tp. Hồ Chí Minh

19:31' - 31/05/2016
BNEWS Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết quả thanh tra dự án BOT, BT trọng điểm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh với nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Nhiều vấn đề phát sinh trong các dự án BOT, BT trọng điểm tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Những dự án được thanh tra bao gồm:  xây dựng cầu Phú Mỹ, mở rộng Xa lộ Hà Nội, cầu đường Bình Triệu 2, đường dẫn kết nối vào cầu Phú Mỹ, đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu.
* Chỉ định thầu
Theo nhận xét của Thanh tra Chính phủ, đối với cả 5 dự án nêu trên, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã không thực hiện đúng quy định tại Điều 3 Nghị định số 77/1997/NĐ-CP ngày 18/6/1997 , Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 78/2007/NĐ - CP ngày 11/5/2007 của Chính phủ, chậm ban hành quyết định công bố danh mục đầu tư 5 dự án.
Về vấn đề này, UBND thành phố cho biết, các dự án nói trên mà Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra đều được triển khai trước khi UBND thành phố ban hành quyết định công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư nên danh mục dự án kêu gọi không có 5 dự án này.

Riêng dự án BOT cầu Phú Mỹ được thực hiện theo Nghị định số 77/1997/NĐ-CP ngày 18/6/1997 và dự án BOT An Sương – An Lạc là dự án được Bộ Giao thông Vận tải chuyển giao về thành phố quản lý từ năm 2010.

Việc chỉ định thầu các dự án BOT giao thông tại Tp. Hồ Chí Minh chưa được thực hiện đúng kế hoạch. Ảnh: TTXVN

Về vấn đề chỉ định nhà đầu tư, theo nhận xét của Thanh tra Chính phủ, thành phố chủ yếu thực hiện hình thức chỉ định (trừ dự án cầu Phú Mỹ) không theo đúng quy định tại Điều 11 Nghị định số 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007, Khoản 5 Điều 11 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 về điều kiện chỉ định nhà đầu tư.
UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, cầu đường Bình Triệu 2 và đường dẫn kết nối vào cầu Phú Mỹ là những dự án cấp bách về sử dụng công trình kết cấu hạ tầng. Do đó, căn cứ vào Điều 11, Nghị định 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007 của Chính phủ, thành phố đã chỉ định nhà đầu tư.

Còn tại dự án đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu và dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương – An Lạc được chỉ định trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
* Dự án bị điều chỉnh và chậm tiến độ
Đối với dự án cầu Phú Mỹ do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ cho rằng, thành phố đã duyệt tổng mức đầu tư không bao gồm thuế VAT là sai quy định tại Nghị định 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 dẫn đến phương án tài chính thiếu chính xác.

Theo đó, tổng vốn đầu tư trong hợp đồng BOT thấp hơn tổng vốn đầu tư của dự án theo quy định; dự án được lập, thẩm định và phê duyệt thiếu một số nội dung như sự cần thiết đầu tư, lợi thế đầu tư theo hợp đồng BOT, không xây dựng phương án để lựa chọn tối ưu.

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư không lập hồ sơ điều chỉnh, không có báo cáo thẩm định dự án điều chỉnh; hợp đồng có một số nội dung chưa phù hợp với quy định như ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, phương án huy động vốn không khả thi; việc chậm khởi công dẫn đến bị phạt hơn 60 tỷ đồng…

Nhiều dự án BOT của thành phố còn bị chậm tiến độ. Ảnh: TTXVN

Phản hồi nhận xét này của Thanh tra Chính phủ, UBND Tp. Hồ Chí Minh nêu quan điểm, cầu Phú Mỹ là dự án BOT đầu tiên của thành phố, các bộ ngành chưa có hướng dẫn cụ thể, thành phố cũng đã xin ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trên cơ sở đó, năm 2004, thành phố trình và được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư dự án. Từ đó, thành phố phê duyệt dự án BOT cầu Phú Mỹ với tổng mức đầu tư hơn 1.806 tỷ đồng.

Dự án cần thiết được đầu tư vì đây là công trình vượt sông Sài Gòn, hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2, tuyến đường Vành đai phía Tây và Đông, tạo trục giao thông chính, kết nối cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương…
Cũng theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, việc điều chỉnh dự án BOT cầu Phú Mỹ từ 1.806 tỷ đồng lên 2.077 tỷ đồng đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố thẩm định, có tờ trình gửi UBND thành phố. Việc UBND thành phố có quyết định điều chỉnh vốn được thực hiện trước khi có Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ.

Cùng với đó, việc chậm khởi công dẫn đến việc nhà đầu tư bồi thường cho nhà thầu gần 55 tỷ đồng do công tác giải phóng mặt bằng tại khu vực 6.000m2 rạch Tắc Rỗi, chưa lường hết được tính phức tạp của cầu dây văng lần đầu tiên được xây dựng tại thành phố cũng như do chậm ký kết hợp đồng tín dụng giải ngân vốn vay.
Với dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ, theo nhận xét của Thanh tra Chính phủ, dự án được lập, thẩm định và phê duyệt thiếu một số nội dung về sự cần thiết đầu tư, loại hợp đồng dự án; tổng mức đầu tư thiếu lãi vay trong thời gian xây dựng; giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng đến tiến độ.

Dẫn đến tăng chi phí và trượt giá; nhà đầu tư không lập kế hoạch đấu thầu, tổ chức đấu thầu; một số chí phí đưa vào đề nghị quyết toán chưa đúng quy định với tổng giá trị hơn 688 tỷ đồng.
Theo lý giải của UBND Tp. Hồ Chí Minh, sự cần thiết đầu tư dự án này đã được thể hiện đầy đủ trong thuyết minh dự án. Đây là đoạn tuyến khép kín tuyến đường vành đai 2, phía Đông thành phố, giảm áp lực giao thông khu vực nội thành.

Thống nhất với quan điểm của Thanh tra Chính phủ việc thực hiện dự án chậm tiến độ, UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã thành lập Tổ công tác liên ngành và đã thẩm tra, rà soát việc sử dụng vốn ngân sách và đã đề nghị Công ty Kiểm toán và chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ giải thích, chỉnh sửa một số nội dung theo quy định, nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn chưa có báo cáo lại.

Về vấn đề một số chi phí đưa vào để quyết toán chưa đúng với quy định với tổng giá trị là 688 tỷ đồng, UBND thành phố sẽ khẩn trương chỉ đạo các sở ngành liên quan xem xét cụ thể trong quá trình thẩm tra báo cáo kiểm toán quyết toán.
Với dự án nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương – An Lạc do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDCO làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ nêu rõ các vấn đề liên quan như tổng mức đầu tư được xác lập chưa chính xác, đầy đủ; phương án hoàn vốn tính cả thuế VAT trong khi thuế này đã được hoàn trả; giải phóng mặt bằng chậm, năng lực chủ đầu tư còn yếu…
Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, do thành phố tiếp nhận hợp đồng dự án này từ Bộ Giao thông Vận tải từ năm 2010 nên thành phố đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến về các vấn đề mà Thanh tra Chính phủ nhận xét.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố yêu càu nhà đầu tư nộp nghĩa vụ thuế theo quy định; chỉ đạo các sở ngành liên quan xem xét cụ thể vấn đề quyết toán dự án.
Trong khi đó, dự án Xa lộ Hà Nội bao gồm các hợp phần chuyển nhượng quyền thu phí giao thông của dự án Xa lộ Hà Nội (giá trị chuyển nhượng 1.000 tỷ đồng do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh – CII thực hiện) để trả ngân sách thành phố; chuyển nhượng quyền quản lý, thu phí giao thông để trả cho dự án xây cầu Rạch Chiếc và dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội.

Đáng lưu ý, với dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội (hợp đồng BOT), theo nhận xét của Thanh tra Chính phủ, chủ đầu tư đã phê duyệt bổ sung dự án không đúng thẩm quyền, làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu dự án hoặc vượt tổng mức đầu tư…
Tuy nhiên, UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Công ty CII (chủ đầu tư) đã phê duyệt dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội sau khi có kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của Bộ Giao thông Vận tải là phù hợp; việc phê duyệt điều chỉnh dự án của Công ty CII vào thời điểm Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 đã có hiệu lực.

Hiện nay theo Nghị định 15/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thẩm quyền điều chỉnh dự án là UBND Tp. Hồ Chí Minh. Do đó ngày 25/3/2016, UBND thành phố đã chỉ đạo Công ty CII tập hợp lại hồ sơ dự án điều chỉnh, nộp Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt.
Cũng theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ dự án là hết sức khó khăn, phức tạp. Trên địa bàn thành phố, dự án đã giải ngân (chi phí giải phóng mặt bằng) được khoảng 70% (tổng số 3.824 tỷ đồng) còn trên địa bàn Bình Dương giải ngân được 22% (trong tổng số 1.824 tỷ đồng).

UBND thành phố đang chỉ đạo các sở ngành hoàn tất phần việc còn lại trên địa bàn cũng như phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương đẩy nhanh đền bù giải phóng mặt bằng.
Tại dự án cầu Bình Triệu 2 (hợp đồng BOT), theo nhận xét của Thanh tra Chính phủ, hợp đồng tính chi phí trượt giá cho chi phí duy tu, sửa chữa 10%/năm là không đúng quy định; tính đến thời điểm dừng thu phí, nhà đầu tư đã thu vượt phương án tài chính hơn 13 tỷ đồng.

Theo UBND thành phố, từ ngày 15/7/2015 thành phố cho phép Công ty CII tạm dừng thu phí tại trạm cầu Bình Triệu 1 và Bình Triệu 2 để thực hiện nâng cấp hệ thống thu phí. Số tiền chênh lệch nói trên sẽ được xem xét, kiểm tra cụ thể và sẽ đưa vào phương án tài chính khi đàm phán, ký kết hợp đồng BOT phần 2, giai đoạn 2 dự án cầu Bình Triệu 2.
Một dự án trọng điểm khác là dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu do Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 làm chủ đầu tư theo hợp đồng BT.

Theo Thanh tra Chính phủ, phương án kinh doanh dự án này chưa hiệu quả; công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, tổng dự toán do đơn vị tư vấn thiết kế lập có nhiều sai phạm dẫn đến phải điều chỉnh khối lượng, đơn giá, làm tăng chi phí xây dựng gần 7 tỷ đồng; tiến độ thi công dự án chậm, khiến doanh thu thu phí theo hợp đồng giảm.

Đồng thời, chủ đầu tư và các bên liên quan đã nghiệm thu không đúng quy định gần 1,5 tỷ đồng. UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, sẽ chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan xem xét cụ thể khối lượng thi công và giá trị thanh toán trong quá trình thẩm tra báo cáo kiểm toán quyết toán…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục