Nhiều vướng mắc khi áp dụng quy định hàm lượng formaldehyt sản phẩm dệt may

17:05' - 26/05/2016
BNEWS Sau hơn 6 tháng triển khai Thông tư số 37/2015 các doanh nghiệp dệt may vẫn vướng mắc và gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.
Nhiều vướng mắc khi áp dụng quy định hàm lượng formaldehyt sản phẩm dệt may. Ảnh: Hoàng Nguyên-TTXVN

Thông tư số 37/2015 do Bộ Công Thương ban hành quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt với sản phẩm dệt may đã có hiệu lực từ ngày 15/12/2015. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó trong việc thực hiện.
Mặc dù vậy, tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 37/2015/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2015 do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 26/5 lại chỉ có 5 đơn vị tham gia dù trước đó Vụ Khoa học và Công nghệ đã gửi nhiều giấy mời tới các doanh nghiệp.

Tại đây, phần lớn các ý kiến đã tập trung vào quy định lấy mẫu đối với các lô hàng mẫu mà Thông tư 37 quy định, theo đó nếu tiếp tục triển khai sẽ gây nhiều phiền hà và tốn chi phí cho doanh nghiệp.
Theo ý kiến của Tổng Công ty may Nhà Bè theo quy định, lô hàng mẫu nhập về dù giá trị không lớn nhưng để được thông quan, doanh nghiệp vẫn phải gửi đi kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm, sau đó phải chờ rất nhiều thời gian để lấy kết quả mới nhận được hàng.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Sơn Hà, Phòng xuất nhập khẩu Công ty May 10 đã đề nghị Bộ Công Thương bỏ quy định phải lấy mẫu kiểm tra hàm lượng formaldehyt với đơn hàng mẫu số lượng nhỏ.

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Cong Thương giải thích cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nội dung Thông tư 37. Ảnh:Uyên Hương/BNEWS

Bởi khi Thông tư 37 có hiệu lực thì May 10 được xét là doanh nghiệp ưu tiên và được đưa hàng về trước để bảo quản, còn hồ sơ giữ lại nhằm mục đích kiểm tra sau thông quan. Tuy nhiên, khi khách hàng gửi mẫu dù số lượng rất nhỏ, doanh nghiệp này vẫn phải mất nhiều thời gian để gửi đi kiểm tra hàm lượng formaldehyt.
Một số doanh nghiệp giấu tên cũng đưa ra ý kiến cho rằng Thông tư mới này không giải quyết được các vướng mắc của doanh nghiệp và không đáp ứng được yêu cầu sửa đổi mà Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 19.

Cụ thể Thông tư 37 quy định còn nhiều vướng mắc và chung chung, chẳng hạn như: các mặt hàng doanh nghiệp nhận gia công, sản xuất, xuất khẩu sẽ bị kiểm tra hồ sơ, giấy tờ.

Nhưng Thông tư không nói rõ là cơ quan nào sẽ kiểm tra hồ sơ. Theo các doanh nghiệp, nếu giao cho cơ quan kiểm tra chất lượng để xác định loại hình xuất nhập khẩu thì sẽ không chuẩn bằng cơ quan hải quan kiểm tra.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, do không hiểu hết về nội dung của Thông tư này cũng như trở ngại từ bộ phận thực thi khiến không ít ý kiến trái chiều phản bác lại khi Thông tư này được áp dụng vào cuộc sống.
Trước đó, vào năm 2009, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 32/2009/TT-BCT quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt với sản phẩm dệt may, nhằm kiểm soát việc sử dụng hóa chất có hại cho sức khỏe cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nội địa.

Song do Thông tư 32 quá rộng, thủ tục kiểm tra phức tạp cộng với chi phí cao nên ngày 30/10/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 37/2015/TT-BCT thay thế Thông tư 32.
Mục đích của việc ban hành Thông tư 37, theo đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, là nhằm thực hiện tốt hơn Nghị quyết 19/CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, song chỉ sau 6 tháng thực hiện, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều phản hồi từ phía doanh nghiệp dệt may về những khó khăn trong quá trình thực thi.
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) khẳng định sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp để trình lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét và chỉnh sửa Thông tư 37 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Tuy nhiên, Vụ này cũng thông báo tới các doanh nghiệp, việc bỏ quy trình lấy mẫu đối với các lô hàng mẫu có thể dẫn đến việc gian lận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục