Nhiều ý kiến quanh dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

22:15' - 18/04/2018
BNEWS Hiện tại, ở Việt Nam đang không kiểm soát được 200 triệu lít rượu nấu thủ công, rượu lậu và 28% sản lượng bia, rượu trên thị trường là bất hợp pháp.

Ngày 18/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam tổ chức tọa đàm về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, pháp luật, y tế cùng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu, bia...
Tọa đàm được tổ chức nhằm trao đổi về sự cần thiết việc ban hành dự án Luật; đánh giá những tác động của Luật đối với sự phát triển kinh tế xã hội và của ngành sản xuất, kinh doanh rượu, bia; cũng như những quy định về kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu, bia, kiểm soát việc cung cấp rượu, bia, giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và về đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Tiến Vỵ, nếu thực hiện việc hạn chế giờ bán rượu, bia như trong dự thảo đưa ra thì chỉ khiến người dân mua hàng bất hợp pháp trong khung giờ cấm nhiều hơn.

Hiện tại, ở Việt Nam đang không kiểm soát được 200 triệu lít rượu nấu thủ công, rượu lậu và 28% sản lượng bia, rượu trên thị trường là bất hợp pháp. Tổng giá trị của thị trường bia, rượu bất hợp pháp này lên tới 910 triệu USD và khiến 441 triệu USD ngân sách nhà nước bị thất thoát.
Do đó, việc xây dựng luật hiện nay cần tập trung vào các vấn đề quản lý rượu do người dân tự nấu; tăng cường việc thực thi các chính sách pháp luật liên quan đến việc sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu, bia; đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi hành vi và xây dựng văn hóa uống rượu, bia...
PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, rượu không kiểm soát được ở Việt Nam là rất cao, chiếm tới 75% tổng lượng rượu tiêu thụ. Loại rượu này chất lượng kém và là nguyên nhân gây ra ngộ độc, hàng năm gây thất thu ngân sách lớn (ước 2.000 tỷ đồng theo dự thảo tờ trình của Bộ Y tế).

Nhà nước và các cơ quan chức năng cần thắt chặt quản lý, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật đã ban hành để kiểm soát lượng rượu không nhãn mác này.
Hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu bia khá đầy đủ, có tới 85 văn bản từ Luật, Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị, Thông tư, … nhưng việc quản lý vẫn chưa được tốt.

Do đó, các kiến nghị cần tập trung vào các vấn đề về rượu dân tự nấu, rượu nhập lậu, rượu thuốc đang buôn bán tràn lan trôi nổi trên thị trường; Nếu thực hiện tốt nghiêm chỉnh các quy định tại các văn bản: Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu; Quyết định 244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Luật An toàn Thực phẩm; Luật Quảng cáo; Luật Đầu tư; Bộ luật xử lý vi phạm hành chính.... thì nhà nước sẽ quản lý tốt được những hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu, bia. 

Liên quan tới đề xuất thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe, ông Nguyễn Tiến Vỵ bày tỏ quan ngại, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia, rượu hiện đang gặp nhiều khó khăn như giá nguyên liệu tăng, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và đang chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 65%.

Chính phủ đã có chủ trương giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó, có nội dung về giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Vì thế, việc quy định doanh nghiệp phải đóng góp thêm 1-2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào Quỹ nâng cao sức khỏe là không phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ và sẽ làm cho doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Thêm nữa, tính hiệu quả của việc thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe cũng cần cân nhắc, ông Vỵ nêu, dự thảo đề xuất kết hợp quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và quỹ phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn vào chung làm một sẽ dẫn tới việc sử dụng ngân quỹ do ngành rượu, bia đóng góp để hỗ trợ những vấn đề khác, không liên quan tới ngành. 

Kinh nghiệm từ hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, cho đến nay đã cho thấy mô hình này không thành công và không phải là phương pháp hiệu quả nhất để giảm tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Nguyên tắc và mục tiêu của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá tập trung vào giảm lượng tiêu thụ thuốc lá, nhưng kết quả lại cho thấy tiêu thụ thuốc lá vẫn đang tăng lên. 

Trên thế giới, hiện có rất ít quốc gia xây dựng và đang áp dụng mô hình Quỹ nâng cao sức khỏe với kinh phí đóng góp bắt buộc hoặc trích từ thuế tiêu thụ đặc biệt. Hầu hết các quỹ này sau một thời gian thực hiện đã ngừng hoạt động hoặc điều chỉnh hoạt động do vướng phải những thách thức trong đảm bảo tính hiệu quả của quỹ.
Liên quan tới việc cấm quảng cáo và tài trợ đối với đồ uống có cồn, ông Vỵ cho rằng, sẽ không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam mà sẽ dẫn tới những thiệt hại đáng kể cho phát triển du lịch, kinh tế và xã hội của Việt Nam, không nhất quán với Quyết định số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về việc phát triển ngành dụ lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cho đến năm 2020.
Hiệp hội cũng kiến nghị, cho phép một cơ chế tự quản mới, vì sẽ hiệu quả hơn về chi phí và cách thức hoạt động; cân nhắc đến quyền lợi của tất cả các ngành liên quan; nhất quán với các cam kết của Chính phủ Việt Nam với các nước APEC. Dự thảo Luật hiện nay đang mâu thuẫn với những cam kết này cũng như các Hiệp ước khác mà Việt Nam đang là thành viên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục