Nhìn lại các vụ án kinh tế trọng điểm – Bài cuối: Phòng ngừa và ngăn chặn từ xa
Căn bệnh “Cố ý làm trái” được ví như những chiếc vòi bạch tuộc, chỗ nào sơ hở là vươn vòi ra chiếm lĩnh, tham ô, tham nhũng tài sản của Nhà nước, chiếm đoạt làm của riêng.Nó có khả năng thích ứng cao với nhiều “địa hình” kinh tế, có khả năng lách giữa những kẽ hở của pháp luật…
Do vậy, để hạn chế hoạt động những chiếc vòi bạch tuộc này, rất cần những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm ngăn ngừa từ xa, trong đó chú trọng tập trung làm trong sạch đội ngũ cán bộ đảng viên, thực hiện tốt công tác cán bộ, đảm bảo thu hồi được tài sản thất thoát cho Nhà nước, cho nhân dân.
Làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên ngay tại cơ sở Nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước đã thường xuyên chỉ đạo, đưa ra các phương hướng, giải pháp phòng, chống tham nhũng với mục tiêu đặt ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời củng cố lòng tin của nhân dân, xây dựng Ðảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.Công tác phòng chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước thực hiện dựa trên quan điểm vừa tích cực, chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính.
Việc đưa các vụ án kinh tế ra xét xử nghiêm minh trong thời gian gần đây đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thể hiện rõ pháp luật không có vùng cấm, bất cứ ai, dù ở cương vị nào, nếu vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật. Đề xuất về những biện pháp phòng ngừa tội phạm kinh tế, tham nhũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng cho rằng phải thường xuyên kiểm kê, kiểm soát tài sản của cán bộ quản lý. Theo ông Trương Minh Hoàng, để ngăn ngừa tận gốc, trước hết phải kiểm soát về thu nhập, công khai, kê khai tài sản.Nếu kiểm soát chặt vấn đề đó thì mới có thể kiểm soát được tài sản đầu vào của cán bộ ở đâu mà có, từ đâu hình thành nên. Kiểm soát được thu nhập, người có suy nghĩ tham lam, cố tình sai phạm để trục lợi cho mình sẽ không thực hiện được, hoặc muốn biếu xén cho người khác thì người khác cũng bị kiểm soát thu nhập nên không dám nhận, khó mà thao túng được đội ngũ cán bộ, nhất là những người có chức có quyền.
Để tránh hình thức, cần niêm yết công khai bản kê khai tài sản này của cán bộ tại cơ quan và địa phương, tạo điều kiện cho tổ chức và người dân tăng cường công tác giám sát, phát hiện sai phạm ngay từ khi mới manh nha. Qua việc minh bạch công khai thông tin này, những cán bộ kê khai tài sản sẽ không dám kê thiếu, kê sai tài sản, hạn chế tham nhũng, chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Ngoài ra, việc đơn giản hóa các thủ tục quy định, hoàn thiện chính sách tiền lương, có chế độ đãi ngộ phù hợp cho cán bộ công chức, siết chặt kỷ cương, thực hiện công tác cán bộ một cách khoa học, phù hợp, công tâm, khách quan… cũng sẽ góp phần làm cho tham nhũng hết “đất sống”, khiến cho các cán bộ, công chức “không thể, không dám và không cần tham nhũng”. Công tâm chọn người có đức, có tài Một nguyên nhân nữa không thể không đề cập khi nhìn lại quá trình công tác của Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC), đó là những tồn tại, hạn chế trong quy trình đánh giá và bổ nhiệm cán bộ.Thực tế những sai phạm xảy ra tại PVN, PVC mà Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh là những người đứng đầu đã diễn ra từ những năm 2007 - 2008, nhưng suốt khoảng thời gian sau đó, Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh vẫn liên tục được xem xét, bổ nhiệm vào những vị trí công tác cao hơn.
Phân tích về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng cho rằng, để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong các vụ việc thời gian qua, rõ ràng đây là một sơ suất, sai trong quá trình xem xét, quy hoạch, sử dụng cán bộ.“Cũng phải nói thêm rằng, những người cố ý thực hiện hành vi sai trái để đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng rất tinh vi trong việc che giấu khuyết điểm. Bằng chứng là qua các bước hệ thống như vậy, làm chặt chẽ như vậy, càng ngày càng tốt như thế mà vẫn không bị phát hiện.
Qua các vụ việc này, các tổ chức cơ sở trong hệ thống chính trị cũng cần phải rút kinh nghiệm trong quá trình xem xét, cân nhắc, quy hoạch, đào tạo cán bộ, có như vậy mới tránh được những sai lầm đáng tiếc như hiện nay khi phải đưa ra xét xử một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị”, ông Trương Minh Hoàng nói.
Đánh giá về công tác tổ chức cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt. Bác Hồ từng nói, mọi việc thành bại đều do cán bộ, bố trí cán bộ đúng là khác, bố trí sai là khác, rất nguy hiểm”. Tại Hội nghị toàn quốc Ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hồi đầu năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nhìn nhận: “Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả...”.Từ đó, Tổng Bí thư yêu cầu làm rõ những hạn chế này để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm; đồng thời chú trọng đến công tác cán bộ thường xuyên; tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ.
Điều này thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước ta trong việc bố trí, sử dụng cán bộ, cũng như công tác giám sát cán bộ, đảng viên một cách công tâm, khách quan, chặt chẽ, đúng quy trình thủ tục. Nhất là việc đánh giá cán bộ sao cho chính xác, chọn những người có đức, có tài để đưa vào bộ máy Đảng, chính quyền các cấp.Đây cũng là một cách hạn chế tham nhũng tiêu cực, phát huy khả năng của cán bộ có năng lực, dám đứng lên thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn những việc làm sai, chống tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm. Qua đó, từng bước lấy lại niềm tin của nhân dân, củng cố uy tín của cấp ủy, tổ chức Đảng, giữ gìn danh dự và phẩm chất cách mạng của người đảng viên.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại của công tác cán bộ, ông Phạm Ngọc Thảo (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội) cho rằng, tổ chức Đảng trong mỗi bộ, ngành cần có quy hoạch cụ thể về công tác cán bộ thuộc ngành mình quản lý để có cơ sở lựa chọn người có tài, có đức.Việc quy hoạch cán bộ phải đảm bảo thực sự dân chủ, công khai, minh bạch, đặc biệt coi trọng người có kinh nghiệm hiệu quả trong công tác thực tiễn, được quần chúng ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tín nhiệm bầu ra, tuyệt đối không được áp đặt.
Việc tuyển chọn cán bộ cần kết hợp tốt giữa bằng cấp và kinh nghiệm thực tiễn nhưng cần ưu tiên coi trọng kinh nghiệm thực tiễn và hiệu quả thực tiễn hơn bằng cấp. Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ đãi ngộ phù hợp, thỏa đáng với hiệu quả thực tế để cán bộ yên tâm làm việc.Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, theo dõi, giúp đỡ thường xuyên, lắng nghe ý kiến phản ánh của quần chúng, nhân dân và Mặt trận Tổ quốc nơi cư trú về cán bộ đó.
Triệt để thu hồi tài sản tham nhũng
Bên cạnh việc xử lý nghiêm các đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng, vấn đề được cả xã hội quan tâm, đó là làm thế nào để thu hồi được tài sản tham nhũng.Đây cũng là nội dung được Đảng và Nhà nước ta đặt mục tiêu kiên quyết thực hiện. Việc thu hồi tài sản đã được thể chế hóa tại nhiều đạo luật như Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, trong đó đề ra các biện pháp nghiêm khắc để thu hồi tài sản tham nhũng, ví dụ như tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, kê biên, phong tỏa tài sản trước khi xét xử...
Tuy nhiên, theo thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội), có một thực tế là việc thu hồi tài sản tham nhũng rất khó khăn. Bởi lẽ các hành vi tham nhũng không được kịp thời phát hiện, đã xảy ra trong một thời gian dài.Chính vì thế, hậu quả xảy ra rất lớn, gần như tỷ lệ thuận với thời gian thực hiện hành vi tham nhũng. Thời gian sai phạm càng kéo dài bao nhiêu thì tài sản tham nhũng càng lớn bấy nhiêu, việc thu hồi càng khó khăn bấy nhiêu. Thời gian đó đủ dài để các đối tượng phạm tội tẩu tán, cất giấu những tài sản đã chiếm đoạt được một cách phi pháp.
Trong một số vụ án gần đây, có thể thấy tài sản tham nhũng thường được che giấu và núp bóng với rất nhiều hình thức khác nhau chứ không nhất thiết phải đứng tên chủ sở hữu vài căn hộ nào đó. Các tài sản có thể đứng tên người thân, người quen, họ hàng…Ví dụ như vụ án Giang Kim Đạt (nguyên Quyền Trưởng phòng Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines) bị xét xử về tội tham ô tài sản.
Tài sản tham nhũng của Giang Kim Đạt có rất nhiều bất động sản ở khắp các tỉnh, thành phố nhưng đa số là nhờ người khác đứng tên. Thậm chí, Giang Kim Đạt còn dành ra hơn 3 triệu đô-la Xinhgapo để đặt cọc mua đất ở nước ngoài. Do đó, công tác điều tra, xác minh rất khó khăn, dẫn đến khó khăn trong công tác thu hồi.
Tiến sĩ Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Tư pháp Hình sự - Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nêu quan điểm: Trong các vụ án kinh tế, không chỉ xem xét trừng phạt người phạm tội, mà cần chú trọng làm thế nào để thu hồi một cách tối đa tài sản của Nhà nước bị thất thoát, bị chiếm đoạt, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.Chính vì vậy, hình thức phạt tiền, áp dụng hình phạt tịch thu, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, bị chuyển nhượng trái phép… rất cần được ưu tiên. Trong đó, khi lượng hình, cần đánh giá cao tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tự nguyện, hoặc gia đình người phạm tội chủ động khắc phục hậu quả” để khuyến khích người phạm tội và gia đình họ trả lại tài sản, khắc phục hậu quả, vừa đảm bảo mục đích nhân đạo, nhân văn, vừa thu hồi tài sản công.
“Việc thu hồi tài sản nhà nước ngoài quy định của Bộ luật Hình sự phải đồng bộ với việc xây dựng và thực hiện trên thực tế các luật khác như Luật Kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập, kiểm tra giám sát của nhân dân, Luật Tố tụng hình sự khi điều tra, truy tố xét xử phải đảm bảo kê biên kịp thời tài sản đảm bảo thi hành án, thậm chí cả hoàn thiện pháp luật về hợp tác quốc tế trong phòng chống rửa tiền, tẩu tán tài sản phạm tội ra nước ngoài…”, Tiến sĩ Đinh Thế Hưng nói. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đang được tiến hành với những hành động quyết liệt, khẩn trương, khẳng định quyết tâm cao độ của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong trận chiến không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực.Hàng loạt cán bộ, trong đó có cả những cán bộ cao cấp của Đảng bị truy tố và nhận hình phạt nghiêm minh của pháp luật. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực được đưa ra xử lý nghiêm khắc.
Cuộc chiến này đã và đang nhận được sự đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân, từng bước lấy lại niềm tin trong nhân dân, góp phần làm trong sạch đội ngũ của Đảng, tạo động lực xây dựng và phát triển đất nước./.
Tin liên quan
-
Kinh tế và pháp luật
Nhìn lại các vụ án kinh tế trọng điểm -Bài 4: Xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ
16:13' - 06/05/2018
Xảy ra tình trạng các bị cáo ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật, phải chăng chế tài xử lý chưa đủ mạnh để có thể cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung?
-
Kinh tế và pháp luật
Nhìn lại các vụ án kinh tế trọng điểm – Bài 3: Lợi ích che mờ lý trí và nhân cách
10:15' - 06/05/2018
Đâu là động cơ và nguyên nhân dẫn đến các sai phạm của các bị cáo trong các vụ án kinh tế lớn vừa được đưa ra xét xử?
-
Kinh tế và pháp luật
Nhìn lại các vụ án kinh tế trọng điểm – Bài 2: Sai phạm có hệ thống
16:11' - 05/05/2018
Các vụ án kinh tế trọng điểm thời gian qua đều có điểm chung là các bị cáo bất chấp luật pháp, biết sai nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi vi phạm…
-
Kinh tế và pháp luật
Nhìn lại các vụ án kinh tế trọng điểm – Bài 1: Hậu họa khôn lường
15:57' - 05/05/2018
Thời gian gần đây, một loạt vụ án kinh tế gây thiệt hại với số tiền lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng đã được đưa ra xét xử.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
“Hàng rào” bảo vệ và kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng
20:24' - 21/11/2024
Bộ Xây dựng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, đồng thời tăng cường giám sát để chống gian lận thương mại và kiểm soát chất lượng.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia
20:19' - 21/11/2024
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, chiều 21/11, tại Trụ sở Nghị viện Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia Dato’ Awang Bemee Awang Ali Basah.
-
Kinh tế Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Campuchia
19:43' - 21/11/2024
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao hai nước tiến hành hội đàm.
-
Kinh tế Việt Nam
Đề nghị Hàn Quốc hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam
18:49' - 21/11/2024
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, AI...
-
Kinh tế Việt Nam
Dồn sức sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải
18:14' - 21/11/2024
Đại diện chính quyền Cần Thơ mong muốn Đại sứ Hoa Kỳ và các Tổng lãnh sự, các tổ chức quốc tế trong thời gian tới ủng hộ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tiếp lãnh đạo Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc
18:07' - 21/11/2024
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh và đánh giá cao IBK đã tài trợ cho Diễn đàn hợp tác đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc năm 2024.
-
Kinh tế Việt Nam
Kiên quyết thực hiện các biện pháp phù hợp để thực thi chủ quyền đối với vùng biển của Việt Nam
17:43' - 21/11/2024
Việt Nam tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trong việc ban hành nội luật và các quy định liên quan đến biển, phù hợp với UNCLOS 1982.
-
Kinh tế Việt Nam
Thông tin về việc Hoa Kỳ bàn giao 5 máy bay huấn luyện cho Việt Nam
17:40' - 21/11/2024
Ngày 20/11 vừa qua, Việt Nam đã tiếp nhận 5 máy bay huấn luyện T-6C thế hệ mới do Hoa Kỳ sản xuất.
-
Kinh tế Việt Nam
Cải thiện tình trạng khó tiếp cận thông tin thu, chi ngân sách tại các địa phương
17:25' - 21/11/2024
Việc tuân thủ quy định về công khai ngân sách huyện còn nhiều hạn chế, chưa tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia đóng góp ý kiến vào các tiến trình ngân sách