Nhìn lại thế giới 2015: Năm thử thách quan hệ Anh-EU

11:47' - 24/12/2015
BNEWS Quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang trong giai đoạn khó khăn trước vấn đê khủng hoảng nhập cư hay sự không hài lòng trong cách điều hành của Brussels.

Anh có thể trở thành quốc gia thành viên đầu tiên rời bỏ EU. Chuyện tưởng như đùa bỗng nhiên trở thành vấn đề nghiêm túc hơn bao giờ hết sau chiến thắng ngoạn mục của ông David Cameron tại cuộc tổng tuyển cử Anh hồi tháng 5 vừa qua.

Thủ tường Anh David Cameron. Ảnh: Reuters

Ông tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Anh thêm 5 năm nữa và vì thế sẽ phải thực hiện cam kết của mình là tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân trước năm 2017 về việc Anh nên ở lại hay ra khỏi EU, trong bối cảnh tâm lý hoài nghi châu Âu đang gia tăng mạnh ở "xứ sở sương mù".

Anh bước vào ngôi nhà chung EU từ năm 1973, song quan hệ giữa hai bên chưa bao giờ đứng trước nhiều thách thức như trong những năm gần đây, khi đảng độc lập Vương quốc Anh (UKIP) với tư tưởng bài châu Âu và nhập cư ngày càng được nhiều người Anh ủng hộ, trong khi không ít nghị sĩ của đảng Bảo thủ cầm quyền cũng hối thúc Thủ tướng Cameron phải thương lượng lại về tư cách thành viên của Anh trong EU. Nhìn từ góc độ của những người Anh phản đối EU, có thể thấy họ không hài lòng với cách điều hành của Brussels.

Theo họ, tư cách "thành viên EU" không mang lại lợi ích gì mà lại tước đi của họ quá nhiều quyền như quyền thành lập thỏa thuận thương mại với các nước khác, quyền sử dụng nguồn lực của Anh cho công dân Anh, hay quyền kiểm soát biên giới quốc gia.

Đặc biệt, nhiều người Anh cảm thấy bức xúc khi nguyên tắc "cho phép tự do đi lại và làm việc giữa các nước thành viên" đã khiến cho công dân từ các nước EU khác đổ xô đến Anh sinh sống và tìm việc làm, gây quá tải cho hệ thống trường học, bệnh viện và các dịch vụ công của nước này và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của họ.

Phe phản đối EU cho rằng nếu rời khỏi EU, Anh sẽ tiết kiệm được khoản đóng góp phí thành viên tới hàng chục tỷ bảng/năm. Hệ thống y tế và phúc lợi của họ không phải gánh nguy cơ bị trục lợi.

Về mặt vị thế và ảnh hưởng quốc tế, Anh tin rằng họ không thể "chìm nghỉm" như cảnh báo của một số lãnh đạo EU bởi trên thực tế Anh vẫn là thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và giữ ghế trong Ủy ban Thống đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Không chỉ thế, Anh vẫn là "đầu não" của Khối Thịnh vượng chung gồm 54 quốc gia. Thủ đô London của Anh cũng là thủ đô tài chính thế giới và nền kinh tế Anh hiện đứng thứ 6 trên toàn cầu. Phe phản đối EU cũng tin rằng kinh tế Anh sẽ không yếu đi bởi đơn giản là nhiều nền kinh tế lớn, ví dụ như Nhật Bản, không nằm trong EU.

Đối tác thương mại lớn nhất của Anh hiện không phải là một nước thành viên EU mà là Mỹ. Anh cũng đang mở rộng thị trường ra hướng Đông với những bạn hàng tiềm năng dồi dào mới như Trung Quốc, Ấn Độ hay khu vực Đông Nam Á...

Ngược lại, phe ủng hộ EU cho rằng sẽ là "thảm họa" nếu Anh rời khỏi liên minh này bởi những mất mát khó mà đo đếm hết được về kinh tế cũng như vai trò và ảnh hưởng toàn cầu. Đó là chưa kể nguy cơ nước Anh sẽ "tan đàn xẻ nghé" bởi Scotland với lý do ủng hộ EU có thể đòi trưng cầu ý dân một lần nữa để tách khỏi vương quốc này và gia nhập EU.

Đây cũng chính là lý do mà Thủ tướng Anh David Cameron quyết định đưa ra một bản kiến nghị cải cách EU gồm 4 điểm và tuyên bố rằng nếu EU nhất trí với những cải cách đó, ông sẽ dốc sức vận động để người Anh bỏ phiếu ở lại EU.

Ngôi nhà chung của EU và Anh, liệu còn có thể tồn tại. Ảnh: Reuters

Dĩ nhiên với EU, việc nước Anh rời đi hẳn sẽ là một cú sốc lớn trong bối cảnh liên minh này đang cần sự đoàn kết hơn bao giờ hết cả về mặt tinh thần, trí tuệ và sức mạnh vật chất để đương đầu với chủ nghĩa khủng bố, giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư và cải thiện đà phục hồi kinh tế khu vực vốn đang còn mong manh. Thiếu Anh, các mối đe đọa và thách thức này càng trở nên khó khăn hơn bội phần.

Một số nước thành viên EU ở Trung và Đông Âu thừa nhận rằng một bộ phận không nhỏ người dân của họ đang được hưởng lợi khi có thể tự do tới Anh tìm việc làm với thu nhập tốt, trong khi kinh tế ở chính nước họ đang èo uột. Nếu Anh chọn rời khỏi EU, không chỉ các khoản phúc lợi bị cắt bỏ mà cửa vào Anh làm việc tự do cũng không còn nữa.

Rõ ràng, trước những tác động tiêu cực mà EU sẽ phải hứng chịu nếu Anh rời khỏi liên minh này nên tại cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng của năm 2015, các nhà lãnh đạo EU đã bày tỏ thiện chí với những yêu cầu của London.

Thay vì khăng khăng rằng các nguyên tắc tự do cốt lõi của Hiệp định EU là "bất khả xâm phạm", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã nói đến các lựa chọn khả thi, bao gồm cả việc sử dụng cơ chế "phanh hãm khẩn cấp" để thỏa mãn yêu cầu của Anh là hạn chế lượng người EU nhập cư vào nước này.

Trong khi đó, người phụ nữ dẫn dắt quốc gia được coi là "xương sống" của EU - Thủ tướng Đức Angela Merkel - bày tỏ ủng hộ nhiều vấn đề cải cách mà ông Cameron đưa ra và thừa nhận "một điều rất rõ ràng là tất cả chúng ta đều muốn Anh ở lại EU vì lợi ích của các nước thành viên".

Thủ tướng Cameron nhấn mạnh mong muốn của ông là Anh sẽ tiếp tục ở lại trong một EU đã cải cách. Có thể nói mặc dù cuộc đàm phán Anh-EU chưa có bất cứ kết quả cụ thể nào, nhưng thiện chí mà hai bên thể hiện sau nhiều tháng tranh cãi là cơ sở để hy vọng hai bên đạt được một thỏa thuận mới tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của khối vào tháng 2/2016.

Nếu linh cảm của ông Cameron là đúng thì năm 2016 sẽ là "năm đạt được điều gì đó thực sự quan trọng và căn bản để thay đổi mối quan hệ của Anh với EU, đồng thời cũng giải tỏa các mối quan ngại của người Anh về tư cách thành viên EU"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục