Những nét độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

09:58' - 05/04/2017
BNEWS Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc thờ cúng, biết ơn người sáng lập ra đất nước mà còn mở rộng quy mô, nâng tầm thành một loại hình tín ngưỡng của người dân Việt Nam.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương bắt đầu từ khi nào?

Hàng nghìn năm trước, các vua Hùng đã chọn núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất trong khu vực kinh đô Văn Lang xưa để thực hiện các nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thời bấy giờ.

Việc thờ thần lúa, thần mặt trời là để cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, nảy nở, người dân được no đủ. Sau này, để ghi nhớ công ơn của các vua Hùng, con cháu đã lập đền thờ các vị vua.

Năm 2017, kỉ niệm 100 năm sự kiện lịch sử định lệ chính thức Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

Theo Báo Phú Thọ Online, sử sách ghi lại rằng, đầu năm 1917, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ Lê Trung Ngọc làm bản tấu trình với Bộ Lễ xin định lệ hàng năm lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch để nhân dân cả nước kính tế Quốc Tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế của dân xã bản hạt. Đồng thời, ông cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa Thu.

Đến ngày 25/7/1917 (Niên hiệu Khải Định năm thứ nhất), Bộ Lễ ban hành công văn phúc đáp và chính thức định lệ ngày quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hàng năm.

Bia “Hùng miếu điển lệ bi” được Hội đồng kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập và dựng tại đền Thượng - Khu di tích Đền Hùng mùa xuân năm Quý Hợi, niên hiệu Khải Định năm thứ 8 (năm 1923), đã ghi lại sự kiện lịch sử quan trọng này.

Tên tuổi quan Tuần phủ Lê Trung Ngọc kể từ đó được sử sách ghi chép với tư cách ông là tác giả của việc định lệ Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Tuần phủ Lê Trung Ngọc luôn được đánh giá là ông quan gần dân, thương dân, cảm thông với nỗi khổ của người nông dân; đồng thời ông cũng là người có tư tưởng tiến bộ, có ý thức tiết kiệm ngân khố của dân, của nước.

Năm 2017, kỉ niệm 100 năm sự kiện lịch sử định lệ chính thức Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là đỉnh cao tâm thức dân tộc 

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng nghìn năm nay, không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và đức tin của người Việt vào các vị thánh thần bảo hộ, mà còn trở thành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước.

Phát triển mạnh từ thế kỉ XII, việc tham gia tôn vinh Quốc tổ của dân tộc Việt được duy trì khá đều đặn trong toàn cộng đồng và liên tục phát triển mở rộng theo tiến trình lịch sử.

Điều thú vị, không chỉ “mở cửa” cho cộng đồng tham gia tiến hành tôn vinh các triều đại Hùng Vương, các triều đại phong kiến cũ đều rất chú trọng tìm mọi cách để “khuyến khích” người dân duy trì tín ngưỡng này.

Các triều đại Hậu Lê và Nguyễn đều liên tục có sắc phong tới các đình đền thờ Hùng Vương tại vùng Phong Châu, pháp điển hóa nghi thức thờ cúng, miễn thuế và thậm chí cấp ruộng đất tại khu vực quanh đền Hùng để người dân tại đây canh tác, thu hoa lợi và coi sóc đền thờ.

Lòng biết ơn, thành kính Tổ tiên đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu trong ngày giỗ tổ Hùng Vương năm 1969: “Từ lòng biết ơn đến sự tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên gia đình, dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng và phụng thờ một Tổ tiên chung của toàn dân tộc - các vua Hùng”. 

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là đỉnh cao tâm thức dân tộc và giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn của dân tộc. Từ năm 2000, 5 năm 1 lần, lễ hội Đền Hùng được tổ chức theo nghi thức Quốc giỗ.

Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội văn hóa lớn của dân tộc. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nhiều lớp văn hóa phong phú và một không gian rộng

Các lớp văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chồng xếp lên nhau. Lớp văn hóa đầu tiên là nghi lễ thờ thần núi ở các làng, xã ở Phú Thọ rất phổ biến. Sau đó, tín ngưỡng thờ cúng được chuyển hóa. Từ đất nước, núi non, trở thành thờ cúng ông Tổ.

Không gian của tín ngưỡng này rất rộng. Một cuốn sách chữ Hán ở thế kỷ XVII cho biết lúc đó có 73 làng xung quanh núi Nghĩa Lĩnh thờ cúng Hùng Vương.

Kết quả điều tra năm 1938 của Viện Viễn Đông Bác cổ, và kết quả điều tra năm 1964 của Ty văn hóa tỉnh Phú Thọ khẳng định, có hơn 100 làng thờ cúng Hùng Vương.

Theo số liệu thống kê của tỉnh Phú Thọ trên địa bàn cả nước hiện có khoảng gần 1.500 nơi thờ Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh của các Vua Hùng. Con số này không ngừng phát triển và vẫn đang tiếp tục tăng.

Năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

>>> Đa dạng tour du lịch về nguồn vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

>>> Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2017 có hoạt động nào đặc sắc?

>>> Linh thiêng lễ rước kiệu và dâng lễ vật nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục