Những ảo tưởng xung quanh kịch bản Brexit “không thỏa thuận” (Phần 1)

05:30' - 07/12/2017
BNEWS Những nhượng bộ của Chính phủ Anh (đối với Liên minh châu Âu-EU) đang tiếp sức cho ảo tưởng rằng sẽ là tốt hơn cho nước Anh với kịch bản rời EU mà không cần đạt được thỏa thuận nào.

Thủ tướng Anh Theresa May trước khi dự một cuộc họp tại London ngày 22/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết với tựa đề “Sự quyến rũ ‘chết người’ của kịch bản Brexit không thỏa thuận” đăng trên tạp chí The Economist của Anh, tất cả dấu hiệu đều cho thấy nước Anh đang nhượng bộ trên cả ba vấn đề của giai đoạn đàm phán đầu tiên về Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May được thông báo rằng bà sẽ phải nhượng bộ trước tuần tới nếu muốn thuyết phục hội nghị thượng đỉnh của EU vào các ngày 14-15/12 nhất trí rằng đã có đủ tiến bộ trong đàm phán để bắt đầu các cuộc thảo luận về giai đoạn chuyển tiếp và một khuôn khổ thương mại tương lai.
Bà Thủ tướng đã chấp nhận đưa ra những nhượng bộ lớn về vấn đề quyền công dân EU tại Anh và hóa đơn rời khỏi khối, có lẽ là đủ để vượt qua bài kiểm tra.

Dường như còn có cả một số tiến triển trong vấn đề gai góc nhất, làm thế nào để tránh một biên giới cứng giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland, khiến cho việc đạt được một thỏa thuận trong tháng 12 càng trở nên khả thi – dù vẫn chưa chắc chắn.
Tuy nhiên, phía sau những tin tốt lại ẩn chứa một mối đe dọa nguy hiểm ngấm ngầm. Bà May càng nhượng bộ nhiều bao nhiêu, thì lại càng có thêm nhiều hơn bấy nhiêu những người ủng hộ Brexit cho rằng nước Anh nên cứ thế mà rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019 mà không cần bất kỳ thỏa thuận nào hết.
Ngay cả khi bà May có đạt được nhất trí về việc chuyển sang giai đoạn hai của các cuộc đàm phán, sức quyến rũ của kịch bản không thỏa thuận vẫn sẽ không vì thế mà biến mất. Những người ủng hộ Brexit căm ghét những nhượng bộ đang được đưa ra trong giai đoạn một, nhất là liên quan đến tiền.

Các chuyên gia thương mại thì đều thống nhất với dự báo rằng giai đoạn hai thậm chí có khi sẽ còn đau đớn hơn, với việc EU khăng khăng giữ nguyên tắc cứng nhắc về những điều khoản thương mại.
Mặc dù vậy, hầu hết mọi người đều cho rằng Brexit mà không có thỏa thuận phải được xem là một thảm họa cần phải tránh bằng mọi giá.

Tuy nhiên ý nghĩ này vẫn lẩn khuất ở đó, dưới hai hình hài ngụy trang. Thứ nhất là vấn đề chiến thuật. Người ta vẫn cho rằng trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, người tham gia phải luôn tỏ ra sẵn sàng bỏ đi thì có khi lại giành được một kết quả tốt.
Nhiều người ủng hộ Brexit đổ lỗi cho ông David Cameron, người tiền nhiệm của bà May, vì đã thể hiện rõ quan điểm trong quá trình đàm phán lại về tư cách thành viên EU của nước Anh trước cuộc trưng cầu dân ý rằng ông ta sẽ vận động để ở lại bất kể kết quả thế nào.

Bà May thì vẫn nói không có thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi. Những người ủng hộ Brexit đã “vui mừng” khi Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, trong Báo cáo Ngân sách Mùa thu mới đây của mình, để riêng ra 3 tỷ bảng (3,6 tỷ USD) để chuẩn bị cho Brexit, trong đó có kịch bản không thỏa thuận.
Hình hài ngụy trang thứ hai là sự khẳng định rằng kịch bản không thỏa thuận thực ra cũng không đến nỗi quá tệ. Thay vì phải theo đuổi ảo tưởng về thỏa thuận thương mại tự do với EU, nước Anh hoàn toàn có thể quay về buôn bán theo những điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (bất chấp thực tế rằng điều này không hề đơn giản chút nào).
Tuy vậy, kịch bản không thỏa thuận “mềm” nói trên không hề thuyết phục chút nào. Một Brexit không thỏa thuận sẽ gây tổn hại cho các nước EU khác, nhưng Anh mới phải hứng chịu nhiều thiệt hại hơn.
Kịch bản này cũng đe dọa vị thế của công dân EU tại Anh. Và nó cũng sẽ đập tan những hy vọng về mối quan hệ đối tác mới và sâu sắc mà Thủ tướng May tuyên bố là bà muốn xây dựng. Trong bối cảnh cả hai bên đều còn đang lời qua tiếng lại, chắc chắn EU sẽ chỉ quan tâm trước tiên đến những lợi ích của mình.
Những người ủng hộ Brexit thường quên mất một điều rằng EU còn là một cấu trúc pháp lý chứ không chỉ đơn thuần là chính trị.

Nếu nước Anh rời đi mà không có thỏa thuận và không có giai đoạn chuyển tiếp, nước này cũng sẽ bị hất khỏi tất cả các tổ chức của EU, từ Euratom (Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu) đến Cơ quan Y học châu Âu (EMA).

Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) sẽ mất quyền tài phán. Ngay cả khi tất cả các bên đều muốn Anh ở lại những tổ chức trên thì về mặt pháp lý cũng sẽ là không thể.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục