Những nhọc nhằn lấp lánh

19:56' - 12/02/2016
BNEWS Thực của đời và hư của ánh sáng nghệ thuật mà dân ảnh vẫn hay nói vui là khoảnh khắc “trời cho, nhưng đó là cả một sự nhọc nhằn của người cầm máy...
Chợ cá bến Do (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Việt Thanh

Tôi vốn có suy nghĩ rành rọt giữa ảnh báo chí và ảnh chụp nghệ thuật. Trong suốt đời làm báo, cũng thỉnh thoảng “ô”, “a” trầm trồ khi nhìn thấy những bức ảnh báo chí chụp đẹp mà không đơn thuần là những tấm ảnh “phản ánh hiện thực” được căn tỷ lệ với góc chụp chuẩn chỉnh. Nhưng những khoảnh khắc thán phục ấy là rất hiếm. Lại càng hiếm đối với ảnh báo chí trong lĩnh vực kinh tế, chụp người lao động hay chụp cảnh lao động.

Cho đến một dịp, vô tình nhìn tấm ảnh “Chợ cá Bến Do “ do Nguyễn Việt Thanh chụp. Cả một khoảng trời nước xanh mênh mông với những nhân vật đứng cạnh nhau, như những vạch ngang sắc màu ấm áp. 

Phía trước là khoảng không gian rộng của biển, phía sau là bầu trời mênh mang cũng của biển, và con người của biển như tạo ra đường chân trời…Mông lung như thân phận con người giữa biển trời vô hạn. 

Chân dung công nhân mỏ Mông Dương. Ảnh: Nguyễn Việt Thanh

Chỉ với hình khối và màu sắc thôi mà đã lay động cảm xúc của người xem. Ấy là thành công lớn nhất của người nghệ sĩ. Tựa như bạn đọc một bài thơ, đôi khi chưa cần hiểu kỹ nội dung mà chỉ  cần đọc vần điệu và những câu thơ xuất thần thôi cũng đủ để rung động và nhớ bài thơ ấy.

“Chợ cá mà lấp lánh như tranh”, tôi thầm nghĩ và gọi cho tác giả để “xí ảnh” cho ấn phẩm của mình. Ảnh đẹp thế, không dùng cho trang này cũng cho trang khác! Chẳng là, tôi vẫn có thói quen thấy ảnh đẹp là mon men liên hệ với tác giả để rinh về “sân nhà” !

Ấy thế mà, khi nhìn thấy một phần kho ảnh của tác giả, thì tôi thực sự ngạc nhiên với phát hiện của mình, hầu như tất cả những bức ảnh chụp về nhân vật (mà phần lớn trong số đó là cảnh đời thường với những nhân vật rất đời, là người lao động) của Việt Thanh, qua ống kính của tác giả đều tỏa ra sắc màu lấp lánh, như pha trộn giữa hư và thực.

Đốt hà bán trên thuyền tại bến Do (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Việt Thanh

Thực của đời và hư của ánh sáng nghệ thuật mà dân ảnh vẫn hay nói vui là khoảnh khắc “trời cho”! Mang thắc mắc đi hỏi, Việt Thanh thì hóa ra đó là cả một sự nhọc nhằn của người cầm máy, không phải cứ có cảnh và giơ máy lên căn chỉnh là xong: “Màu sắc và ánh sáng đẹp là khả năng quan sát và phán đoán của nhiếp ảnh gia. Cái đó đòi hỏi phải lao động nhiều, kiên trì bám theo đối tượng vào nhiều thời điểm khác nhau”-  Việt Thanh cho biết ”Thành công không bao giờ đến với những người lười biếng và hời hợt”.

Thành công không đến với người lười biếng và hời hợt! Quả vậy! Sau này, trong một dịp tham gia chuyến “đi ảnh” mà Việt Thanh tham gia với tư cách là giảng viên, tôi đã chứng kiến cái phút nhọc nhằn săn ảnh ấy.

Người phụ nữ lao động bãi phế liệu tại Quỳnh Phương (Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Việt Thanh

Chẳng là xe ô tô đang đi giữa quanh co đồi núi, trời mưa to tầm tã. Cả xe đang râm ran chuyện thì bỗng dưng Việt Thanh hô “Dừng lại! Dừng lại” làm cả xe giật mình. Ngay sau khi cậu tài xế phanh đột ngột  thì Việt Thanh bật cửa lao vội ra trời mưa, như đã quen với cảnh này, rất nhanh, cậu cùng đoàn cũng nhảy phóc xuống theo xòe ô chạy theo.

Mấy đứa ngoại đạo trên xe là chúng tôi ngơ ngác nhìn theo “ông” cầm ô đuổi theo che cho “ông” cầm máy đang lao xuống đầm nước, dưới đó có hai cha con đang dầm mình dưới nước đánh lưới giữa mưa….! Vậy đấy, khoảnh khắc “trời cho” sẽ lướt qua nếu không quan sát và không có lòng đam mê.

Người đội thanh bến Bát Tràng (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Việt Thanh

Tôi đã biết rất nhiều những nhọc nhằn của người cầm máy khi leo lên những cột điện cheo leo giữa dốc núi chênh vênh cùng thợ điện để tìm ra những góc chụp đẹp, hay men theo những mỏ than hun hút để tả thực người thợ mỏ ở nơi hầm sâu… tất cả đều rất thực và không có sự dàn dựng như một số người vẫn hiểu.

Sự dàn dựng đôi khi lại ở “kỹ xảo” tiếp cận, nói chuyện với nhân vật để nhân vật có được sự tự nhiên nhất, để tìm kiếm những lấp lánh, góc đẹp tâm hồn của nhân vật. Việt Thanh nói rằng: Cái khó muôn thuở của người chụp ảnh đòi hỏi sự nhanh nhạy bằng cách nắm bắt khoảnh khắc tự nhiên. Cũng có lúc phải có sự giao lưu nhất định đối với đội tượng được chụp ảnh, cả hai cách đều cũng dẫn đến một tiêu chí đạt được, đó là tạo ra bức ảnh trung thực nhất về thần thái và môi trường sống xung quanh họ.

Bà già người Lựu 100 tuổi (Tam Đường-Lai Châu) đan lưới bắt cá). Ảnh: Nguyễn Việt Thanh

Có chút tò mò về những bức ảnh vừa thực như đời, vừa đẹp như tranh, tôi hỏi Việt Thanh khi cầm máy, anh chụp với tâm thế của nhà báo hay tâm thế của người làm ảnh nghệ thuật, Việt Thanh đã bật mí bí quyết đam mê của mình như thế này: “Khi chụp ảnh, người lao động tôi luôn chụp với tâm thế của một nhà báo. Khuôn hình nào cũng có góc đẹp nhất của nó, tôi bắt buộc phải xoay sở để tìm ra góc đẹp nhất. Đỉnh cao của ảnh báo chí là tả thật, thông tin nhưng đẹp đến mức làm xúc động người xem, lúc đó sẽ không còn ranh giới nữa”!

Và có lẽ, cũng chính nhờ xóa bỏ được ranh giới ấy mà Việt Thanh đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp nhiếp ảnh của mình.  Là phóng viên ảnh của  Vietnam News (TTXVN), Việt Thanh đã nhiều lần đoạt giải ảnh trong nước và quốc tế. Những bức ảnh mang lại thành công cho anh chính là những bức ảnh về cuộc sống đời thường, về những khoảnh khắc lấp lánh mà anh tìm được trong cuộc sống xung quanh.

Khi xem ảnh Việt Thanh, người xem sẽ không khỏi không nhớ về những khoảng sáng đẹp, đâu đó là nụ cười lấp lánh của người lao động dẫu nhọc nhằn.

Tất cả chính là sự nhọc nhằn lấp lánh!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục