Những quan điểm trái chiều về việc Mỹ trừng phạt Iran

05:30' - 09/06/2018
BNEWS Từ khi Mỹ thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra thêm một loạt biện pháp trừng phạt mới bao vây Tehran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN 
Đường lối cứng rắn này phù hợp với chính sách của Thủ tướng Israel Benjamin Netanhyahu nhưng lại gây tranh cãi tại Israel, khi bên ủng hộ cho rằng “trừng phạt sẽ làm chế độ giáo quyền suy yếu” còn phe chống thì xem suy đoán lạc quan này chỉ là ảo vọng nguy hiểm.
Tờ Courrier International đã đặt ra câu hỏi là liệu có nên gia tăng trừng phạt Iran hay không? Nhà báo Israel David Rosenberg trên nhật báo Ha’Aretz cho là “nên”, bởi vì các biện pháp trừng phạt sẽ làm chế độ Iran suy yếu.
Ông lập luận thế giới có thể sống không cần Iran, nhưng trái lại Iran sẽ không thể tồn tại nếu không có thế giới.
Một loạt sự kiện xảy ra đã minh chứng cho lập luận này. Sau khi Tehran ký hiệp định hạt nhân 2015, phương Tây giảm nhẹ cấm vận thì kinh tế Iran được tăng trưởng ngay nhờ xuất khẩu dầu khí.
Trái lại, mọi lĩnh vực khác đều tiếp tục đình trệ, trong đó thất nghiệp trên 30%, còn lạm phát thì ở mức 10%. Chính lĩnh vực dầu khí - nguồn ngoại tệ chính của Iran - đang bị ông Trump đe dọa qua các biện pháp cấm vận mới.
Theo tác giả, thế lực nòng cốt và cũng là lực lượng kiểm soát kinh tế Iran là Vệ binh Hồi giáo sẽ không dễ nhượng bộ.Thế nhưng, chế độ giáo quyền đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, và dân chúng đổ xuống đường tranh đấu.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: EPA
Kinh tế suy sụp và dân chúng phẫn nộ sẽ là hai yếu tố buộc chế độ giáo quyền đàm phán lại chương trình hạt nhân và rút quân khỏi Syria.
Lập luận có vẻ xác đáng này không nhận được sự đồng thuận từ một nhà phân tích Israel khác. Cũng trên nhật báo Ha’Aretz, được Courrier International trích dẫn, chuyên gia Steven Klein cảnh báo suy đoán như thế là ảo tưởng, bởi vì trong một chừng mực nào đó, Iran đang bắt đầu đổi mới. 
Người dân Iran phản đối chính phủ sử dụng ngân sách không đúng chỗ, đổ vào các cuộc chiến tranh ở nước ngoài, tính chính đáng của chế độ bị lung lay.
Khi quyết định trừng phạt Iran, vô tình Tổng thống Donald Trump trở thành cứu tinh cho các giáo chủ Iran khỏi một số phận thất bại đau đớn. Theo lý giải của Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân không phải là cái cớ để Mỹ đưa quân đánh Iran. 
Nhưng nếu Iran khởi động lại chương trình hạt nhân như Triều Tiên vì bị cấm vận thì Washington sẽ làm gì?Iran chế tạo bom và sẽ bị Mỹ tấn công.Nhưng chiến tranh xảy ra thì mọi bên đều thiệt hại.
Và Iran không phải là nạn nhân duy nhất. Sau thép, đến lượt mặt hàng xe ô tô rơi vào tầm ngắm của Washington. Với lý do bảo vệ an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ đã tính đến biện pháp tăng thuế đối với xe ô tô nhập khẩu. Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc đều không thỏa khỏi tầm ảnh hưởng.
Lý do cho việc này là gì? Dan Di Mico, nguyên là cố vấn của Tổng thống Donald Trump, cựu Chủ tịch tập đoàn thép Nucor Steel, giải thích với tờ The Finantial Times rằng sức mạnh nào cho phép Mỹ chiến thắng Đức Quốc xã và Nhật Bản? Đó là kỹ thuật sản xuất xe ô tô. Đó là sức mạnh công nghiệp của Mỹ. Trong một cuộc chiến tranh quy ước, nền kinh tế mạnh nhất sẽ thắng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục