Những tác động đối với ngành dệt may

14:10' - 18/07/2018
BNEWS Ngay 18/7, tại Hà Nội Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã tổ chức Hội thảo "Hiệp định CPTPP, EVFTA - Những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam".
Hội thảo "Hiệp định CPTPP, EVFTA - Những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam" Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ngay 18/7, tại Hà Nội Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã tổ chức Hội thảo "Hiệp định CPTPP, EVFTA - Những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam".
Mục đích của hội thảo giúp cho doanh nghiệp dệt may trao đổi tình hình triển vọng, những thuận lợi, rào cản và sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho dệt may trong bối cảnh Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã đi đến giai đoạn cuối.
Theo các chuyên gia, Hiệp định EVFTA là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA và CPTPP là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
CPTPP đã chính thức được ký kết ngày 09/03/2018 vừa qua giữa 11 quốc gia, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở cửa thị trường - một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng hơn 10 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Còn EVFTA được tách làm hai hiệp định, một hiệp định về thương mại và một hiệp định về đầu tư. Hai bên đã công bố chính thức hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với hiệp định về thương mại. Từ đó, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore và trên Malaysia với giá trị thương mại đạt 47,6 tỷ Euro trong năm 2017.
Ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cơ hội với ngành dệt may Việt Nam khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực là rất lớn. Tuy nhiên, để được hưởng những lợi ích từ Hiệp định CPTPP, khó khăn mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải vượt qua cũng không nhỏ. Theo đó, yêu cầu khắt khe của CPTPP là nguyên tắc xuất xứ và bên cạnh đó là thách thức về xu hướng đầu tư rất nhanh, mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Mặt khác, các doanh nghiệp dệt may của trong nước vẫn sản xuất gia công, may đơn hàng theo mẫu và năng suất lao động còn thấp. Vì vậy, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế vẫn còn yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhận định, 5 yếu tố mà cộng đồng doanh nghiệp phải nhìn thấy, đó là doanh nghiệp cần phải đào tạo nguồn lực. Bởi, nếu cộng đồng doanh nghiệp không quan tâm, thờ ơ thì sẽ không đủ nguồn lực vào sân chơi này. Vấn đề tiếp theo không kém phần quan trọng, chính là các doanh nghiệp phải chuyển dịch sản xuất, phải làm từ thiết kế, nguyên liệu trong nước thì mới lấy được lợi ích hiệu quả của hiệp định thương mại này. Đồng thời, phải xây dựng chuỗi liên kết hợp tác và triển khai hiệu quả các dự án, đầu tư bài bản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ và phải có chiến lược vì nếu không đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn./.

>>>Thêm một doanh nghiệp dệt may niêm yết cổ phiếu trên HNX

>>>Hàn Quốc hỗ trợ doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận công nghệ 4.0

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục