Những "tâm điểm" kinh tế thế giới tuần này

19:42' - 15/08/2016
BNEWS Ngoài thông tin liên quan đến chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương,... giới đầu tư tiếp tục chờ đợi biên bản cuộc họp tháng Bảy của Cục Dự trữ liên bang Mỹ.
Biên bản cuộc họp tháng Bảy được cho là sẽ thu hút sự chú ý của dư luận. Ảnh: reuters

Trong tuần này ngoài thông tin liên quan đến chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương cùng những diễn biến xung quanh thị trường chứng khoán và trái phiếu toàn cầu, giới đầu tư tiếp tục chờ đợi biên bản cuộc họp tháng Bảy của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để tìm kiếm manh mối về thời điểm ngân hàng trung ương sẽ tiến hành nâng lãi suất.

Biên bản cuộc họp tháng Bảy (dự kiến công bố ngày 17/8) được cho là sẽ thu hút sự chú ý của dư luận hơn cả vì Fed chỉ còn duy nhất một cuộc họp chính sách nữa trong tháng Chín để đưa ra quyết định về lãi suất trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11.

Hiện, các quan chức của thể chế này vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng liên quan đến vấn đề chính sách.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco John Williams cho hay Fed dự định sẽ nâng lãi suất từ từ và sẽ tăng trong năm nay.

Trong khi đó, xu hướng nới lỏng các chính sách tiền tệ lại đang nổi lên tại nhiều nền kinh tế lớn của thế giới như Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Vương quốc Anh và Nhật Bản.

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng vừa khiến thị trường bất ngờ khi công bố kế hoạch sẽ mua vào hàng chục tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp mỗi tháng, khiến chủ trương thắt chặt tiền tệ của Fed trở nên “lép vế”.

Sau hơn một thập kỷ thực hiện các chính sách tiền tệ khẩn cấp, kinh tế Mỹ mặc dù ghi nhận con số tăng trưởng dương song chỉ số lạm phát vẫn chưa thật sự cải thiện.

Tuần này, các số liệu về lạm phát của Anh được dự báo sẽ có tín hiệu tích cực song không mang nhiều ý nghĩa đối với giới phân tích do họ tập trung hơn vào sự suy yếu của đồng bảng Anh sau sự kiện cử tri nước này lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 vừa qua.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng kinh tế Anh nhiều khả năng sẽ rơi vào tình trạng giảm phát trong thời gian tới trong khi tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao từ con số 4,9% hiện nay.

Đây được xem là những ảnh hưởng tiêu cực “nhãn tiền” mà Brexit mang lại.

Cùng với đó, ngày 15/8 Nhật Bản công bố GDP trong quý II chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả các cuộc thăm dò của Reuters trước đó cho thấy nền kinh tế “xứ hoa anh đào” có khả năng tăng trưởng 0,7% trong giai đoạn này, bất chấp các nỗ lực kích thích kinh tế của chính phủ trong thời gian gần đây.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục