Những tín hiệu tích cực hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7%

10:38' - 29/06/2018
BNEWS Kinh tế quý II/2018 vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tích cực của năm trước và quý I/2018 với mức tăng GDP đạt 6,79%. Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm nay, GDP trong nước tăng 7,08%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Kinh tế quý II/2018 vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, GDP của cả nước ước tính tăng 7,08%. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Bích Lâm cho rằng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm còn hết sức nặng nề đòi hỏi các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ những khó khăn, thách thức và hết sức nỗ lực, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu đề ra.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7%, BNEWS-TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Xin ông cho biết, kinh tế quý II/2018 có tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tích cực của năm trước và quý I/2018. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm nay, theo ông có những lưu ý gì đặt ra cho nền kinh tế những tháng tiếp theo?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Kinh tế quý II/2018 vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tích cực của năm trước và quý I/2018 với mức tăng GDP đạt 6,79%. Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm nay, GDP trong nước tăng 7,08%; giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,93%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, khu vực dịch vụ tăng 6,9%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,02%. Đóng góp chính trong tăng trưởng của 6 tháng đầu năm là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, thủy sản, thương mại, vận tải, khách sạn, nhà hàng, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Kết quả tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2018 khá tích cực, một mặt do tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều thuận lợi, mặt khác quý I năm 2017 đạt mức tăng thấp (5,15%) trong khi các quý còn lại của năm 2017 có nhiều bứt phá và đạt mức tăng trưởng khá cao. Năm 2018 không có những nhân tố đột biến như năm 2017 (như tăng trưởng đột phá của Samsung với sản phẩm mới Note 8 trong tháng 5/2017 hoặc nhà máy thép Formosa lần đầu tiên đi vào sản xuất với quy mô lớn trong tháng 7/2017) nên dự kiến tăng trưởng của các quý còn lại trong năm 2018 sẽ khó đạt được như cùng kỳ năm 2017.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tiềm ẩn những yếu tố bất định, khó lường; độ mở của nền kinh tế nước ta khá lớn; quy mô kinh tế còn nhỏ; khả năng chống chịu của nền kinh tế và hệ thống tài chính quốc gia trước các cú sốc lớn còn hạn chế, do đó chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận hướng tới tầm nhìn mang tính tổng thể và dài hạn. Đồng thời, quan tâm nhiều hơn tới các xu hướng diễn biến trong trung và dài hạn, như: sự gia tăng cạnh tranh về kinh tế, thương mại, tài chính giữa các quốc gia có thể trở nên gay gắt, phức tạp và khó lường hơn; nguy cơ của các cuộc chiến tranh thương mại, nhất là giữa các nền kinh tế chủ chốt; xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ của các quốc gia trong dài hạn...

Tôi cho rằng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm còn hết sức nặng nề đòi hỏi các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ những khó khăn, thách thức và hết sức nỗ lực, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu đề ra.

Theo đó, các địa phương cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong quá trình thực thi; chủ động lựa chọn những nhiệm vụ ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp và người dân.

Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Lạm phát năm 2018 dự báo sẽ chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá sắp thực thi như: tăng lương, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục…. Vậy ông nhận định về tình hình lạm phát năm 2018 như thế nào?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Giá cả thị trường trong 6 tháng đầu năm nay biến động theo hướng tăng tương đối cao trong tháng 1, tháng 2 và giảm trong tháng 3, điều này phản ánh đúng quy luật tiêu dùng hàng năm.

So với tháng trước, CPI tháng 1 tăng 0,51%, tháng 2 tăng 0,73%, tháng 3 giảm 0,27%, tháng 4 tăng 0,08%, tháng 5 tăng 0,55% và tháng 6 tăng 0,61%. Bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,37% so với tháng trước, cao hơn rất nhiều so với mức 0,03% của 6 tháng đầu năm 2017.

Chỉ số CPI từ tháng 1 đến tháng 6 so cùng kỳ năm trước có tốc độ tăng dần từ mức 2,65% trong tháng 1 lên mức 4,67% trong tháng 6. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,29% và tăng 2,22% so với tháng 12 năm 2017.

Và trong 6 tháng cuối năm dự kiến có các yếu tố sau tác động đến CPI, đó là: giá xăng dầu tăng do tăng phí bảo vệ môi trường mỗi lít xăng tăng thêm 1.000 đồng. Ngoài ra giá xăng dầu, gas trong nước biến động theo giá thế giới do cầu tiêu thụ của thế giới tăng. Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran đẩy căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông càng cao.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục dự kiến tăng theo lộ trình; mức lương cơ sở tăng 90.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2018; yếu tố thiên tai và thời tiết bất lợi có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến giá lương thực thực phẩm.

Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế có thể điều chỉnh định mức tiền lương và chi phí khấu hao. Riêng giá dịch vụ y tế trong tháng 7/2018 được điều chỉnh giảm một số dịch vụ theo Thông tư số 15/2018-BYT của Bộ Y tế từ ngày 15/7/2018 là yếu tố sẽ kiềm chế lạm phát 2018.

Như vậy, áp lực đối với lạm phát 6 tháng cuối năm 2018 rất lớn, nhưng với quyết tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Ban Chỉ đạo điều hành giá cùng với sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương trong từng tháng từ nay đến cuối năm 2018, tôi tin mục tiêu CPI bình quân năm 2018 ở mức tăng dưới 4% trong năm nay vẫn có thể đạt được.

Phóng viên: Nhiệm vụ để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Với một loạt giải pháp Chính phủ đặt ra, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã giao cho từng bộ, ngành và địa phương có giải pháp chỉ đạo cụ thể, theo ông để hoàn thành nhiệm vụ này, các bộ, ngành và địa phương cần có giải pháp gì?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt khá, song để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2018, bên cạnh những chính sách như: khuyến khích liên kết trong sản xuất nông nghiệp, phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản; phát triển nông thôn, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cùng đó, khuyến khích việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch và sản xuất để làm gia tăng giá trị sản xuất; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại; tăng cường công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai... cần phải có những chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển những ngành có tốc độ và dư địa tăng trưởng cao như ngành thủy sản và chăn nuôi.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo niềm tin thu hút mạnh hơn nữa đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có quy mô lớn và có chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn được thuận lợi và nhanh hơn, thủ tục vay vốn ngân hàng cần đơn giản, thông thoáng hơn;

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình đã thực hiện, bố trí vốn kịp thời cho các công trình đang thi công và các công trình đã phê duyệt quyết toán; tạo môi trường thông thoáng, đặc biệt là tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia đấu thầu và nhận thầu các công trình sử dụng vốn Nhà nước.

Ngoài ra, cần ưu tiên phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch...

Phóng viên: Xin ông cho biết, Tổng cục Thống kê sẽ tham mưu với Chính phủ, các bộ, ngành như thế nào để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% mà Chính phủ quyết tâm đạt được trong năm nay?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh của các bộ, tập đoàn, tổng công ty và các địa phương, Tổng cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế của quý III, quý IV và năm 2018. Đồng thời xác định mục tiêu tăng trưởng của từng quý để cả năm đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê xác định mức tăng trưởng cần đạt được của từng quý theo từng nhóm ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng có căn cứ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục