Ninh Thuận khuyến cáo không sử dụng thuốc trừ cỏ BecAno đối với cây nho

10:15' - 29/12/2017
BNEWS Một số hộ trồng nho ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận có nguy cơ trắng tay vì nhiều vườn nho bị vàng lá, thối rễ, teo quả chết dần sau khi phun thuốc trừ cỏ nhãn hiệu BecAno cho vườn nho.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngay sau khi có ý kiến phản ánh của người dân về việc nho chết do sử dụng thuốc trừ cỏ, Chi cục đã thành lập đoàn kiểm tra đánh giá hiện trạng cây nho bị ảnh hưởng do phun thuốc trừ cỏ BecAno 500 SC.

Đồng thời, Chi cục đã làm việc với cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật bán thuốc trừ cỏ cho người dân, đồng thời tiến hành lấy các mẫu thuốc, mẫu đất và rễ cây nho chết để gửi đi phân tích hàm lượng hoạt chất tồn dư trong rễ cây nho để xác định nguyên nhân thiệt hại.

Sau khi có kết quả kiểm định, nông dân, đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật và công ty chịu trách nhiệm phân phối thuốc trừ cỏ BecAno 500 SC tại Việt Nam sẽ đưa ra các giải pháp hỗ trợ thiệt hại cho người trồng nho trên cơ sở xác định nguyên nhân gây thiệt hại xuất phát từ đâu.

Trước mắt, Chi cục đề nghị các hộ nông dân đã mua thuốc trừ cỏ BecAno 500 SC, Nimaxon 20 SL chưa sử dụng trả lại cho đại lý bán thuốc vì thuốc này không nằm trong danh mục đăng ký phòng trừ cỏ trên vườn nho. Chi cục cũng đề nghị người dân tiếp tục chăm sóc nho theo quy trình khuyến cáo 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp để cây nho sớm khôi phục, tăng sức đề kháng giảm ngộ độc cho cây.

Vào giữa tháng 10/2017, do cỏ trong vườn nho mọc nhiều, bà Lê Thị Hòa (ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải) ra đại lý mua 2 chai thuốc trừ cỏ nhãn hiệu BecAno 500 SC (thể tích 50ml, xuất xứ từ Đức do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bayer Việt Nam đăng ký và chịu trách nhiệm phân phối) về pha trộn với thuốc trừ cỏ Basta 15 SL (thể tích 1 lít) theo tỷ lệ: 50ml Basta + 5ml BecAno/bình 20 lít phun cho 9 sào nho (3.700 gốc).

Khoảng 27 ngày sau, 1,7 sào nho đang mang trái (70 ngày) có dấu hiệu bị teo quả, lá chuyển vàng, cành ngọn nho chững lại không phát triển; 7,3 sào nho không mang trái lá cũng dần chuyển vàng, chết dần. Thời gian đầu đầu chết khoảng 100 cây, đến nay có khoảng 80% diện tích vườn nho bị chết.

Bà Hòa cho biết: “Đại lý bán thuốc quảng cáo cho tôi công dụng trừ cỏ của thuốc BecAno rất hiệu quả, thời gian diệt cỏ lâu, thân thiện với môi trường nên tôi mới mua và sử dụng theo hướng dẫn của đại lý. Đến bây giờ nho chết gần hết, vốn liếng đầu tư ban đầu vào vườn nho khoảng 700 triệu đồng giờ coi như mất trắng. Sau khi trời mưa, gia đình không biết đã tháo nước từ vườn nho cho chảy xuống kênh mương, nước theo đó chảy vào ruộng lúa 3,5 sào của hộ kế bên và ao bèo làm lúa và bèo chết khô”.

Cùng hoàn cảnh với bà Hòa, ông Nguyễn Xưởng (ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải) trồng 6 sào nho (2.500 gốc); trong đó có 2,5 sào nho đang trong giai đoạn cho thu trái. Vào đầu tháng 11, ông phun thuốc trừ cỏ Nimaxon 20SL với liều lượng 1 lít/6 sào pha với 36 lít nước. Sau đó 10 ngày, ông phun tiếp thuốc trừ cỏ BecAno 500 SC, liều lượng 100ml/6 sào pha cho 360 lít nước. Đến cuối tháng 11, nho bắt đầu héo lá, teo quả rồi chết dần. Đến nay, trên 90% diện tích vườn nho bị chết. Trước đây, ông Xưởng vẫn sử dụng thuốc diệt cỏ Nimaxon 20SL cho vườn nho và không gây thiệt hại gì.

“Nghe đại lý tư vấn thuốc diệt cỏ BecAno 500 SC hiệu quả nên tôi mới mua về xịt cỏ theo hướng dẫn. Không ngờ nho bị chết dần. Tôi e rằng cây nho sẽ còn chết nữa vì tính năng của loại thuốc này cực độc, mức độ hủy diệt cao. Vườn nho đang cho quả, dự kiến thu hoạch vào cuối tháng 12, trước đó thương lái đã tới xem, đặt cọc và mua giàn với giá 80 triệu đồng. Giờ nho chết, phải trả tiền cọc, vốn đầu tư ban đầu 400 triệu đồng cho vườn nho giờ tiêu tan”, ông Xưởng chua xót cho hay.

Theo nhà sản xuất, BecAno 500 SC là thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm, sau khi phun các hoạt chất sẽ tạo lớp màng ngăn chặn sự nảy mầm của hạt cỏ. Nhà sản xuất khuyến cáo người sử dụng đọc kỹ nhãn phụ đính kèm trước khi sử dụng. Thuốc trừ cỏ BecAno 500 SC nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở Việt Nam, được công ty đăng ký đối tượng phòng trừ cỏ trên cây trồng lâu năm như: cà phê, sao su, cam. Hiệu lực diệt cỏ kéo dài 6 tháng giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế.

Theo khảo sát, hiện có 5 hộ trồng nho với diện tích gần 4 ha ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải sử dụng thuốc trừ cỏ BecAno 500 SC khiến cây nho bị ảnh hưởng của thuốc và đang chết dần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục