Nợ của hộ gia đình cao ngất ngưởng - một quả bom hẹn giờ ở Australia

17:34' - 26/04/2017
BNEWS Mặc dù Australia là một trong những nền kinh tế phát triển mạnh nhất trên toàn cầu, nhưng giá nhà tăng mạnh cũng khiến nước này vượt các nước khác về nợ của các gia đình.
Nợ hộ gia đình tại Australia tăng cao do gias nhà ngày càng tăng. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia cảnh báo, việc người Australia đang trong cơn bão đi mua nhà, trong khi nhà ở nước này thuộc hàng đắt nhất thế giới, sẽ không khác gì một quả bom hẹn giờ đe dọa phá hủy nền kinh tế nếu gặp cú sốc bất ngờ.
Trong khi Australia là một trong những nền kinh tế phát triển mạnh nhất trên toàn cầu, giá nhà tăng mạnh cũng khiến nước này vượt các nước khác về nợ của các gia đình.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Australia là 123%, chủ yếu là nợ mua nhà, đứng thứ hai sau Thụy Sỹ. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's cho biết, mức này vượt mức của Mỹ, Tây Ban Nha và Ireland (Ailen) trước khi thị trường bất động sản của các nước này sụp đổ, qua đó cảnh báo người Australia cũng đang có những tài sản với thanh khoản thấp.

Còn nhà kinh tế có tiếng của Australia, Chris Richardson, cho rằng, so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nguy cơ tổn thương của nước này lớn hơn và khả năng phòng vệ thì yếu hơn.
Những cảnh báo trên trái ngược với tình hình kinh tế của Australia gần đây, với 26 năm không bị rơi vào suy thoái. Nền kinh tế nước này đã trụ vững trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhờ nhu cầu hàng hóa của đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc.

Tuy nhiên, lãi suất đã được hạ xuống mức thấp kỷ lục 1,5% để thúc đẩy tăng trưởng khi Australia nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào ngành khai thác mỏ, khiến thị trường nhà đất nóng lên.

Theo báo cáo tháng Ba của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, giá nhà trung bình ở Sydney là 1,1 triệu đôla Australia (830.000 USD) và giá nhà trên toàn quốc tăng 250% kể từ giữa những năm 1990.
Theo nhà kinh tế độc lập Saul Eslake, người Australia sẽ bằng mọi cách như không cho con đi học trường tư, bán xe hay không đi nghỉ để không bị vỡ nợ có thế chấp.

Ông cho rằng, nếu lãi suất tăng, những người đi vay sẽ buộc phải chi nhiều hơn cho việc trả lãi và do đó, sẽ phải cắt giảm chi tiêu cho các khoản khác và đây là rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế.

>>> "Bom hẹn giờ" trên thị trường bất động sản Australia

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục