Nợ lớn đặt PBoC vào thế khó khi điều chỉnh chính sách tiền tệ

06:47' - 22/02/2017
BNEWS Chỉ riêng trong tháng 1/2017, số tiền mà các ngân hàng ở Trung Quốc cho vay còn lớn hơn GDP hàng năm của Nam Phi.
Nợ lớn đặt PBoC vào thế khó khi điều chỉnh chính sách tiền tệ. Ảnh: EPA

Chỉ riêng trong tháng 1/2017, số tiền mà các ngân hàng ở Trung Quốc cho vay còn lớn hơn GDP hàng năm của Nam Phi, khi người dân tận dụng các chính sách kích thích nền kinh tế thông qua nới lỏng tín dụng mà chính phủ thực hiện.

Việc người người đổ xô đi vay tiền đã gây ra những hệ lụy ngoài dự tính, với một khối nợ cao ngất ngưởng, khiến Chính phủ Trung Quốc đang phải thắt chặt chính sách tiền tệ và hạn chế việc tiếp cận tín dụng.

Mức nợ ở Trung Quốc đã vượt 270% GDP vào cuối năm 2016, sau nhiều lần hạ lãi suất cũng như sự thịnh hành của hoạt động cho vay ngoài hệ thống ngân hàng không được kiểm soát nhắm đến các công ty đang mắc nợ.

Một phần nhờ hoạt động cho vay được nới lỏng, kinh tế Trung Quốc, động lực chính của kinh tế toàn cầu, tăng trưởng 6,7% trong năm ngoái, với sự bùng nổ của hoạt động xây dựng và đầu tư công cho cơ sở hạ tầng.

Ông Andrew Fennell thuộc cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nói rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gánh số nợ lớn và sự tăng trưởng ổn định của kinh tế Trung Quốc là nhờ các biện pháp kích thích, không mang tính bền vững.

Một cơ quan xếp hạng khác là Standard & Poor's cũng cảnh báo việc dựa vào tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng gây ra nguy cơ "hạ cánh cứng" của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), tức ngân hàng trung ương, đã nhiều lần hạ lãi suất kể từ cuối năm 2014 đến năm 2016 để giảm chi phí đi vay.

Tín dụng lãi suất thấp đã gây ra những hệ lụy ngoài dự tính như khiến giá tỏi tăng 80% trong năm ngoái do hoạt động đầu cơ, các nhà đầu tư đổ tiền vào đồng tiền ảo bitcoin và giá bất động sản ở một số thành phố tăng chóng mặt.

Trước yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế trong khi cũng phải ngăn chặn tình trạng đầu cơ, PBoC đã bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để đáp ứng nhu cầu tiền mặt thường cao trong dịp này, nhưng đã nâng lãi suất ngắn hạn thêm 10 điểm cơ bản vào đầu tháng Hai năm nay, lần tăng đầu tiên sau bốn năm.

Tuy nhiên, nhà phân tích Wei Yao thuộc Societe Generale cho rằng một sự điều chỉnh chính sách tiền tệ quá đột ngột sẽ khiến hệ thống tài chính dễ bị tổn thương.

Các nhà chức trách cũng lo ngại về rủi ro vỡ nợ doanh nghiệp gia tăng, đặc biệt là trong hệ thống tài chính ngầm không được kiểm soát, bao gồm các khoản vay cho các nhà chế tạo đang mắc nợ lớn và các công ty bất động sản.

Theo PBoC, tổng lượng tín dụng, bao gồm các khoản vay do các tổ chức phi ngân hàng cung cấp, vọt lên mức 3.740 tỷ nhân dân tệ (545 tỷ USD) trong tháng Một, tăng gấp đôi so với tháng 12/2016.

Theo hãng dữ liệu CEIC, tín dụng ngoài ngân hàng tăng 20% trong năm 2016, lên 1.920 tỷ nhân dân tệ.

Các ngân hàng thương mại thường miễn cưỡng cung cấp các khoản cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho dù hạ lãi suất, khiến các doanh nghiệp này ít có sự lựa chọn, ngoài việc tìm đến các tổ chức tín dụng ngầm.

Trong điều kiện hiện nay, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể cần nhiều thời gian để khống chế nợ, khi nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục