Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu tạo nền tảng phát triển cho năm 2016

21:21' - 27/11/2015
BNEWS Trong 11 tháng năm 2015, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi và kết quả tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Tăng trưởng GDP năm 2015 vẫn đạt mức cao hơn 6,5% là nên tảng cho năm 2016.Ảnh:TTXVN

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức chiều 27/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thông báo trong bối cảnh nền kinh tế đối diện không ít khó khăn, thách thức nhưng nhiều khả năng tăng trưởng GDP năm 2015 vẫn đạt mức cao hơn 6,5%.

“Điều này sẽ tạo nền tảng phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2016 đạt 6,7%. Muốn vậy chúng ta phải tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm như chú trọng tới cân đối ngân sách, thu hồi nợ thuế.

Cùng với đó điều chỉnh các chỉ tiêu chi ngân sách phù hợp theo tinh thần triệt để tiết kiệm, ngoài ra tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Những vấn đề này được Quốc hội và nhân dân rất quan tâm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2015, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi và kết quả tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, hầu hết các lĩnh vực đều có chuyển biến tích cực. Các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 0,58% so với tháng 12/2014; bình quân 11 tháng CPI tăng 0,64%.

Về thu chi ngân sách nhà nước, tính đến ngày 15/11, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 807.000 tỷ đồng, bằng 88,6% dự toán; tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 961.900 tỷ đồng, bằng 83% dự toán. Thu hút vốn FDI, ODA cũng đạt nhiều kết quả tích cực, trong 11 tháng năm 2015, số dự án cấp mới tăng 30% so với cùng kỳ năm trước; vốn FDI thực hiện ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 17,9%.

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân ước đạt 4,4 tỷ USD, bằng 88,7% cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng ước tăng 9,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2014, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục là động lực chủ yếu của tăng trưởng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 9,4%, thể hiện niềm tin của người tiêu dùng và cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng lên.Mặc dù vậy, theo đánh giá của Chính phủ, nền kinh tế vẫn còn những khó khăn thách thức như: sản xuất và tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn; giá dầu thô và giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản xuống thấp, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu và giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng từ đầu năm đến nay luôn tăng thấp hơn mức tăng của tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế…

 Chính sách lãi suất phải theo diễn biến của lạm phát trong tương lai. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, lạm phát thấp trong 11 tháng qua chủ yếu do giá thế giới giảm, trong đó giá dầu thô tác động mạnh nhất, chỉ còn khoảng 40 USD/thùng, giảm hơn một nửa so với dự toán ban đầu.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, với dự báo lạm phát có thể biến động nên trong chính sách điều hành cho năm 2016, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều giải pháp cũng như không chủ quan với lạm phát và chính sách lãi suất cũng phải theo diễn biến của lạm phát trong tương lai.

“Nếu giá dầu tăng trở lại thì lạm phát cũng tăng theo và trong điều hành chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cũng không chủ quan trước diễn biến của lạm phát. Hiện trần lãi suất đã được quy định còn các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục hạ thêm.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình trong và ngoài nước để đạt được những mục tiêu về lãi suất như đã đề ra”, bà Hồng khẳng định.

Trong kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 tổ chức cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu các bộ, ngành tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ động điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, bảo đảm an toàn hệ thống. Tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý; bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là dịp cuối năm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển kế hoạch năm 2015, phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch được giao. Tăng cường các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu, phát triển kinh tế - xã hội tạo đà cho năm sau.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tích cực huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã có kết quả tích cực nhưng không được hài lòng, thỏa mãn mà phải làm quyết liệt hơn. “Năm 2016 phải tiếp tục đà cải cách của năm 2015, đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam vào nhóm đầu trong ASEAN” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch được duyệt. Thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới./.

Hoàng Tùng/BNEWS

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục