Nội các của Thủ tướng Theresa May vẫn bị chia rẽ bởi vấn đề Brexit

10:49' - 09/07/2018
BNEWS Trong một diễn biến có tác động không hề nhỏ tới Nội các của Thủ tướng May, Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề Brexit David Davis đã đệ đơn từ chức.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: TTXVN

Nội các của Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt với rất nhiều “sóng gió” dù chỉ mới ba ngày trước đây, bà May tuyên bố Nội các đã đạt được sự nhất trí về thỏa thuận tạo cơ sở cho tương lai quan hệ giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU) sau khi “xứ sở sương mù” rời khỏi khối này (còn gọi là Brexit).
Ngày 8/7, Bộ trưởng Môi trường Michael Gove đã lên tiếng bảo vệ kế hoạch của chính phủ về việc áp dụng các quy định của EU lên hàng hóa sau khi quá trình Brexit kết thúc. Đề xuất này đã bị nhiều thành viên Nội các phản đối tại cuộc họp kéo dài một ngày vào thứ Sáu tuần trước (6/7) với lo ngại rằng nó sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp.

Song Bộ trưởng Michael Gove nhấn mạnh rằng Anh vẫn có quyền tự quyết như một quốc gia độc lập tại những lĩnh vực then chốt, đồng thời khẳng định nước Anh sẽ rời EU như kế hoạch đã định nhưng không nên "tạo thù hằn không cần thiết".
Kế hoạch của Thủ tướng May là sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do hàng hóa với EU để bảo vệ các chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực như sản xuất, đồng thời duy trì sự linh hoạt cho ngành dịch vụ vốn chiếm ưu thế tại nước Anh.

Song hiện vẫn chưa rõ liệu Brussels có chấp nhận điều này hay không, sau khi khối này đã liên tục cảnh báo London rằng họ không thể tùy ý lựa chọn những điều kiện thuận lợi trong thị trường chung châu Âu.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, một trong những người ủng hộ Brexit hàng đầu, đã được truyền thông đưa tin rộng rãi rằng ông mô tả kế hoạch này như một "trò đùa" trước khi đồng ý ủng hộ nó. Cựu lãnh tụ đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith cho biết kế hoạch dường như đã đi ngược lại với lời hứa rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan của EU.
Tuy nhiên, hơn 100 doanh nghiệp Anh cùng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết kế hoạch này là không đủ để tránh được những gián đoạn cho thị trường, đồng thời thúc giục chính phủ Anh hãy ở lại trong liên minh thuế quan của EU.
Không chỉ doanh nghiệp Anh mà doanh nghiệp nước ngoài cũng bày tỏ quan ngại. Mới đây nhất Hãng sản xuất hàng điện tử Philips của Hà Lan cảnh báo hãng có thể chuyển mọi hoạt động sản xuất ra khỏi lãnh thổ Anh nếu xảy ra Brexit "cứng" do "lo ngại sâu sắc về những thiệt hại năng lực cạnh tranh".

Theo tính toán của Philips, với mọi kịch bản Brexit mà Anh không được hưởng ưu đãi từ liên minh thuế quan, chi phí các sản phẩm xuất khẩu của hãng sẽ tăng đáng kể. Trước đó, một loạt các hãng lớn như Jaguar Land Rover, BMW và Airbus cũng đã đưa ra những cảnh báo về tác động tiêu cực do cuộc chia tay giữa Anh và EU.
Trong một diễn biến có tác động không hề nhỏ tới Nội các của Thủ tướng May, Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề Brexit David Davis đã đệ đơn từ chức vì những bất đồng trong kế hoạch thỏa thuận về tương lai quan hệ giữa nước Anh với EU hậu Brexit.
Theo truyền thông phương Tây, Thủ tướng May đã chấp nhận đơn xin từ chức của ông Davis. Một số nguồn tin thân cận cũng tiết lộ ông Steve Baker, một Thứ trưởng Brexit dưới quyền ông Davis, cũng đã đệ đơn từ chức.
Sự ra đi của người dẫn dắt các nỗ lực đàm phán Brexit của Anh chỉ hai ngày sau cuộc họp Nội các cho thấy chia rẽ sâu sắc vẫn chưa thể giải quyết trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền về việc Anh rời khỏi "mái nhà chung" EU. Một số nguồn tin cho biết ông Davis cho đến trước thềm cuộc họp Nội các đã không thể hoàn toàn đồng ý với thỏa thuận này, cho rằng một số nội dung được đưa ra là "thiếu khả thi".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục