Nỗi lo an ninh ám ảnh cử tri Anh

11:15' - 22/06/2017
BNEWS Người dân nước Anh đang thực sự chìm trong nỗi hoảng sợ bởi những vụ tấn công khủng bố liên tiếp diễn ra trong những ngày qua.
Cảnh sát tuần tra tại London ngày 7/6 sau vụ tấn công trên cầu London hôm 3/6. AFP/TTXVN
 Đặc biệt, những vụ tấn công này càng khiến người dân Anh hoang mang hơn khi nó diễn ra vào thời điểm mà nước Anh đang hoàn tất công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 8-6-2017 tới. 
* Hai vụ tấn công khủng bố trong chưa đầy hai tuần 
Đêm ngày 3-6-2017 theo giờ địa phương (tức ngày 4-6 giờ Việt Nam), nước Anh đã bị rúng động bởi 3 vụ tấn công liên hoàn tại thủ đô London (Anh). Theo công bố mới nhất của Cơ quan Cứu thương London, có 7 người được xác nhận đã thiệt mạng trong cả ba vụ tấn công trên, 48 người đã được đưa vào bệnh viện điều trị. Đó là chưa kể rất nhiều người bị thương nhẹ đã được sơ cứu ngay tại hiện trường các vụ tấn công. 
Vụ việc đầu tiên là một chiếc xe tải lao lên vỉa hè và tông vào nhiều người đi bộ trên Cầu London. Sau đó lại tiếp tục xảy ra một vụ đâm dao khi 2 người đàn ông chém bị thương 2 người khác trong một nhà hàng ở khu chợ Borough. Vụ thứ 3 được cảnh sát thông báo là một vụ nổ súng ở khu vực Vauxhall nằm gần trụ sở Cơ quan Tình báo Đối ngoại (MI6) của Anh, cách cầu London chỉ khoảng 3km về phía Tây Nam. 
Cảnh sát xác nhận các vụ tấn công tại chợ Borough và Cầu London là hành vi khủng bố và có mối liên hệ với nhau, trong khi vụ tấn công tại quận Vauxhall hoàn toàn chỉ là vụ tấn công đơn thuần. Trợ lý Cảnh sát trưởng London Mark Rowley xác nhận, cả 3 kẻ tấn công đã bị cảnh sát tiêu diệt và chỉ có 3 tay súng tham gia tấn công. Toàn bộ khu vực quanh hiện trường đã bị phong tỏa, kể cả trên bờ và dưới sông Thames, để phục vụ công tác điều tra. Tất cả các ga tàu gần khu vực này cũng đã tạm thời đóng cửa. Các nhà hàng, quán bar tại khu chợ Borough, một khu rất sôi động ở London, cũng bị yêu cầu đóng cửa và giải tán khách. 
Có thể thấy, London dường như đang trở thành “tầm ngắm” mới trong danh sách các thành phố ở châu Âu của chủ nghĩa khủng bố. Chỉ trong vòng 12 ngày, nước Anh đã phải chứng kiến đến 2 vụ khủng bố. Đây cũng được coi là vụ tấn công thứ 3 ở Anh trong vòng chưa đầy 3 tháng qua, dấy lên lo ngại về tình hình an ninh tại Anh. Trước đó, ngày 22-3-2017, một vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh đã làm 5 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát, một nghi phạm tiến hành vụ tấn công, và ít nhất 40 người bị thương. Sau đó, vào ngày 23-5-2017, một vụ nổ vào cuối buổi biểu diễn của ca sĩ nhạc pop người Mỹ Ariana Grande tại sân vận động Manchester Arena ở thành phố Manchester cũng đã làm hơn 20 người chết và khoảng 60 người bị thương. Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận thực hiện vụ tấn công khủng bố này. 
* Đe dọa an ninh Anh trước thềm bầu cử 
Các vụ tấn công mới nhất tại London xảy ra trong bối cảnh nước Anh vẫn được đặt trong tình trạng an ninh cao độ. Vì vậy, ngay sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố trên cầu London và khu chợ Borough, Thủ tướng Anh Theresa May đã thông báo triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp để xem xét tình hình. 
Có thể thấy, mối lo ngại khủng bố thường trực đã thực sự ảnh hưởng lớn tới tâm lý và cuộc sống của người dân Anh và trở thành nỗi đau đầu của giới chính trị gia Anh khi vừa chạy đua tổng tuyển cử vừa phải giải quyết vấn đề khủng bố. Trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm bầu cử (ngày 8-6) nhưng các vụ tấn công trên đã khiến chiến dịch vận động bầu cử phải gián đoạn. Ngày 4-6, các chính khách Anh đã quyết định tạm ngừng chiến dịch vận động tranh cử trong ngày 4-6 và có thể kéo dài trong vài ngày. 
Đáng chú ý, rất nhiều người dân Anh còn mong muốn tạm dừng cuộc bầu cử để tập trung giải quyết vấn đề khủng bố. Trên trang web change.org, ông Mark Oxley đã đăng tải đơn kiến nghị kêu gọi tạm dừng tổng tuyển cử: “Tôi và chắc chắn rất nhiều người Anh đồng tình rằng, đây không phải là thời điểm để diễn ra Tổng tuyển cử”. Đơn kiến nghị trên được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Twitter. Nhiều diễn viên, nhà hoạt động cũng đã đồng tình và ký vào đơn kiến nghị. 
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May trong bài phát biểu ngày 4-6 sau khi các vụ tấn công khủng bố xảy ra, bên cạnh việc chỉ trích tư tưởng xấu xa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đứng sau 3 vụ tấn công khủng bố tại Anh kể từ hồi tháng 3-2017, thì bà May vẫn khẳng định, cuộc tổng tuyển cử tại Anh sẽ vẫn diễn ra vào ngày 8-6 theo kế hoạch bất chấp những vụ tấn công khủng bố này. 
Các nhà phân tích cho rằng, các vụ tấn công khủng bố tại Anh vừa qua chắc chắn sẽ có tác động đến kết quả cuộc bầu cử sớm tại Anh vào ngày 8-6 tới. Các chính đảng có thể sẽ sử dụng chính sách chống khủng bố làm “đòn bẩy” để có thêm sự ủng hộ từ cử tri. Các nhà phân tích cho rằng, với tư cách là nhà lãnh đạo có quan điểm mạnh mẽ về vấn đề chống khủng bố và an ninh tại Anh, Thủ tướng Theresa May đang có được sự ủng hộ nhiều hơn so với đối thủ là ông Corbyn của Công đảng. Ngoài ra, việc từng phụ trách vấn đề an ninh khi còn là Bộ trưởng Nội vụ trước khi trở thành Thủ tướng có thể đem lại lợi thế cho bà May trong cuộc bầu cử sắp tới. 
Mặc dù vậy, những dự đoán trên cũng được cho là không chắc chắn bởi nếu nhìn vào tỷ lệ ủng hộ qua các cuộc thăm dò những ngày gần đây, thì tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ của Thủ tướng May đang tiếp tục giảm xuống. Khảo sát mới nhất của Hãng Ipsos MORI tại Anh ngày 2-6 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ tiếp tục giảm xuống mức 45%, giảm 4% so với khảo sát công bố ngày 18-5 vừa qua. Khoảng cách cách biệt giữa đảng Bảo thủ và Công đảng đối lập cũng bị rút ngắn xuống còn 5% điểm so với mức 15% điểm cách đây 2 tuần. Trong khi đó, Công đảng đã tăng mức tỷ lệ ủng hộ lên 40%. Đây là khảo sát mới nhất cho thấy khả năng dẫn đầu của đảng Bảo thủ đang bị lung lay. Tất cả những điều này cho thấy, cuộc đua vào Quốc hội Anh đang cực kỳ gay cấn và khó đoán./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục