Nỗi lo mùa lũ "đến hẹn không về"

12:07' - 23/11/2015
BNEWS Đến hẹn nhưng lũ... không về đã khiến Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng đứng trước nhiều hệ lụy trước mắt cũng như lâu dài đối với sản xuất và đời sống của nhân dân.

Nguồn lợi thủy sản giảm sút, thiếu lượng phù sa bồi bổ đất đai khiến nguy cơ mất mùa, hạn hán, xâm nhập mặn hiện hữu. Tiền Giang đang bắt tay vào sản xuất vụ Đông Xuân 2015 - 2016 với thật nhiều lo toan.

Theo quan trắc của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, đỉnh lũ trên sông Tiền tại Tân Châu thấp hơn trung bình cùng kỳ từ 1,1 m đến 1,4 m và là mức thấp nhất tính từ năm 1926 trở lại đây.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, vụ Đông Xuân 2015 - 2016, Tiền Giang có kế hoạch xuống giống trên 67.000 ha; trong đó, các huyện vùng ngập lũ thượng lưu sông Tiền phía tây tỉnh xuống giống khoảng 30.000 ha.

Lịch thời vụ gieo sạ tập trung từ 20/11 đến 5/12 dứt điểm tùy theo địa bàn (từ 9/10 đến 24/10 âm lịch).

Có dịp về các huyện đầu nguồn vào lúc mùa vụ cao điểm, ai cũng dễ nhận ra không khí làm việc hết sức khẩn trương trên những cánh đồng mênh mông chạy ngút tầm con mắt.

Bà con đang tập trung cho vụ Đông Xuân mới trong tâm trạng lo lắng trước tình hình thời tiết, thủy văn bất lợi và bất thường.

Mới 8 giờ sáng mà đồng ruộng xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy nắng đã chói chang. Mặc cho những tia nắng cháy bỏng rát da rát thịt, ông Tư Hạnh vẫn miệt mài đào đào đắp.

Ông làm một mình bởi mấy ngày nay thuê mướn nhân công không được, còn con cháu trong nhà không có ai. Công việc của ông là be bờ để chuẩn bị làm đất, xuống giống vụ lúa Đông Xuân tới theo lịch thời vụ tỉnh đưa ra cho vùng ngập lũ phía Tây.

Dừng lại nghỉ trong một thoáng chốc, lấy tay lau vầng trán đẫm mồ hôi, ông Tư ngao ngán bảo: “Chưa năm nào hạn như năm nay. Nước trên đồng cạn kiệt ngay trong mùa lũ lụt. Mưa bão cũng ít. Đây là hiện tượng lạ, lâu nay tôi chưa từng thấy. Rồi chú xem, vụ Đông Xuân này khó khăn lắm đây!”.

Chia sẻ tâm tư cùng ông Tư Hạnh, ông Nguyễn Văn Quận, một lão nông tri điền cũng ở Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, giãi bày: "Năm nào lũ thấp hoặc nước lũ đầu nguồn không về thì đồng ruộng thiếu phù sa bồi đắp, cỏ dại và sâu bệnh phát sinh mạnh, mất mùa và chi phí tăng cao, nông dân thua thiệt là cái chắc".

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ny (ấp Trung, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đánh bắt cá linh trên cánh đồng mùa nước nổi. Ảnh: TTXVN

Tâm trạng của ông Tư Hạnh, ông Nguyễn Văn Quận cũng là tâm trạng lo lắng chung của nông dân các huyện vùng ngâp lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước trước thềm vụ Đông Xuân này.

Ông Lê Thành Ngon, Bí thư Đảng ủy Hậu Mỹ Bắc B, một xã vùng ngập lũ sâu phía thượng nguồn sông Tiền thuộc địa bàn huyện Cái Bè cho biết: "Chưa bao giờ mực nước trong nội đồng vào mùa lũ lại cạn kiệt như năm 2015.

Nhiều chỗ, bà con không phải bơm tát cho tốn tiền, chỉ cần khai một rãnh thoát nước nhỏ thì toàn bộ nước trong ruộng cạn hết, công đoạn còn lại chỉ cần làm đất, gieo sạ và chăm sóc mà thôi. Nói như vậy nhưng không dễ ăn.

Kinh nghiệm những nông dân "nòi" Đồng Tháp Mười đúc kết cho thấy, với thực trạng mực nước cạn kiệt như trong mùa lũ năm nay, chắc chắn vụ Đông Xuân chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu rầy, công cán sản xuất sẽ gia tăng, trong khi năng suất và sản lượng không bảo đảm. Nói chung, nông dân dự báo sẽ thất thu" .

Anh Năm Hiền (xã Mỹ Thành Bắc, Cai Lậy) chia sẻ: "Thông lệ, cứ chừng chục năm, Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với một trận lũ lớn. Còn hàng năm, nước lũ từ thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu tràn về, tuy không lớn nhưng cũng phải ngập bờ ruộng từ 20 - 30 cm, còn dưới ruộng phải ngập sâu tối thiểu 1m.

Có như vậy, nước cuốn trôi mầm bệnh, bồi đắp phù sa, vụ Đông Xuân mới sản xuất sẽ thuận lợi, ít sử dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật, chi phí giảm, nông dân trúng mùa. Lũ không về, nông dân nơi đây còn thất thu nguồn lợi thủy sản, tôm cá rất lớn."

Quả thật như thế, dạo quanh các ngôi chợ vùng lũ, từ chợ Thiên Hộ (Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè) qua chợ Ngã Năm (Mỹ Thành Nam, Cai lậy), về chợ Thạnh Lộc (Thạnh Lộc, Cai Lậy)…, ai cũng có chung nhận xét các loại tôm cá, thủy sản bày bán trong chợ: cá lóc, cá rô, cá trê, ếch, lươn... đều được nuôi chứ thủy sản từ tự nhiên hầu như chiếm tỉ lệ rất ít.

Không có lũ, nhiều nghề đánh bắt thủy sản truyền thống của bà con nơi đây như câu giăng, câu rê… cũng đã mai một.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang nhận định: "Năm nay do lũ không về nên việc sản xuất nông nghiệp của địa phương, đặc biệt là vụ Đông Xuân nhiều khả năng phải đối mặt với hạn hán trên diện rộng trong khi xâm nhập mặn hết sức gay gắt đối với các huyện vùng duyên hải phía Đông.

Trước mắt, tại các huyện phía tây do mực nước thượng nguồn về thấp, không lũ nên đồng ruộng không được tháo chua, rửa phèn, thiếu nguồn phù sa bồi đắp khiến độ phì nhiêu trên đồng lúa giảm sút trầm trọng. Do vậy, nông dân bón nhiều phân đạm dẫn đến nguy cơ thừa đạm, bùng phát sâu bệnh gây hại trên diện rộng."

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: Trước nguy cơ trên, ngay từ đầu vụ Đông Xuân, tỉnh yêu cầu các ngành chức năng đặc biệt là Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh… tăng cường mở các lớp tập huấn, hội thảo, tuyên truyền khuyến nông…

Từ đó khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt né rầy gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, vệ sinh đồng ruộng, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh khoa học đặc biệt là IPM, ba giảm ba tăng, bón phân theo bảng so màu lá lúa… nhằm chủ động phòng chống sâu bệnh gây hại, tạo tiên đề cho một vụ mùa mới bội thu.

Đối với những địa bàn sản xuất khó khăn, đất gò cao lại xa nguồn nước khuyến khích bà con chuyển đổi sang nuôi thủy sản, trồng màu hoặc các cây trồng thích hợp khác. Nhiều nơi đi tiên phong trong việc chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu gay gắt như xã Hậu Mỹ Bắc A (Cái Bè), một trong những địa bàn ngập sâu của tỉnh Tiền Giang.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Bắc A, bà con ấp Mỹ Chánh 4, xã Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè đã chuyển hàng trăm héc ta đất canh tác từ độc canh cây lúa sang mô hình cá - lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ ra quân làm thủy lợi nội đồng nhằm đảm bảo nước tưới tiêu, chống hạn bảo vệ cây trồng nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước, đảm bảo cho vụ đông xuân 2015 - 2016 thắng lợi.

Vụ Đông Xuân là vụ chính trong năm, Tiền Giang đang khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu thâm canh đạt năng suất bình quân 70, 72 tạ/ha và sản lượng cả vụ đạt trên 476.000 tấn lúa.

Hy vọng với kinh nghiệm nhiều năm liền ứng phó với thời tiết, thủy văn bất lợi và nỗ lực chung của các ngành, các cấp và nông dân, địa phương sẽ đạt được mục tiêu đề ra./.

Minh Trí/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục