Nông nghiệp hữu cơ: Chặng đường còn xa

06:15' - 30/05/2016
BNEWS Sự phát triển của một nền nông nghiệp an toàn và cấp cao hơn nữa là nông nghiệp hữu cơ, đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết để hướng tới phát triển bền vững.
Nông nghiệp hữu cơ: Chặng đường còn xa. Ảnh: TTXVN

Việc sử dụng nhiều hóa chất không đúng quy định trong sản xuất nông nghiệp đã trở nên phổ biến, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khiến người tiêu dùng hết sức lo ngại. Trước tình hình này, sự phát triển của nền nông nghiệp hữu cơ trở nên đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, hiện chỉ có một số ít người tiêu dùng được tiếp cận với sản phẩm của nền nông nghiệp an toàn thực sự và không phải ai cũng hiểu rõ bản chất và phân biệt được rõ các loại sản phẩm nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường.

Để làm rõ những băn khoăn này, phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp.

BNEWS: Xin ông giải thích cho bạn đọc được rõ về nông nghiệp hữu cơ là gì và sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ?

Ông Đào Thế Anh: Nông nghiệp hữu cơ sử dụng nguyên lý của hệ sinh thái tự nhiên (không dùng hóa chất, phân bón và thuốc trừ sâu làm từ hóa chất). Nông nghiệp hữu cơ chủ yếu dùng các giống cây trồng tự nhiên, phân bón hữu cơ, các phương pháp sâu bệnh tự nhiên và không dùng các phương pháp biến đổi gien nhân tạo.

Các sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ bao gồm các loại cây trồng như lúa gạo và gia súc, gia cầm như gà, lợn…

BNEWS: Nông nghiệp hữu cơ, cụ thể là sản xuất rau hữu cơ phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và sâu bệnh theo mùa. Vậy làm thế nào để nông nghiệp hữu cơ có được năng suất cao thưa ông?

Ông Đào Thế Anh: Đầu tiên, có thể sử dụng phương pháp đa dạng sinh học. Đó là trồng đan xen nhiều loại rau cùng một thời điểm, điều này sẽ giảm thu hút sâu bọ.

Thứ hai có thể dùng cái con sâu thiên địch để trị những con sâu bệnh. Thứ ba là trồng đan xen vào vườn rau một số loại hoa có màu sắc rực rỡ để thu hút sâu bọ tốn công vào hoa chứ không tấn công rau.

TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện cây lương thực và cây thực phẩm. Ảnh: Tác giả cung cấp

BNEWS: Hiện tại giá các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có đắt hơn sản phẩm bình thường hay không?

Ông Đào Thế Anh: Do mới ra đời nên năng suất của nông nghiệp hữu cơ chưa thể bằng các sản phẩm khác. Thêm nữa, để chăm sóc cây nông nghiệp hữu cơ cũng cần nhiều lao động hơn và phải dành nhiều chi phí cho công tác quản lý, kiểm định chất lượng. Chính vì thế, giá nông sản hữu cơ đang cao hơn các sản phẩm cùng loại khác.

BNEWS: Hiện tại, ở Việt Nam đã có quy trình nào đánh giá các sản phẩm hữu cơ chưa và có cách nào xác nhận và kiểm chứng các sản phẩm hữu cơ không?

Ông Đào Thế Anh: Bộ Nông nghiệp đã có một tiêu chuẩn ban hành năm 2006 cho sản phẩm rau và một số sản phẩm cây trồng khác thuộc sản phẩm hữu cơ. Ngoài ra, trên thị trường hiện nayđang có một hệ thống bảo đảm dựa vào sự tham gia của các tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ được gọi là Hệ thống bảo đảm cùng tham gia – PGS (Participatory Guarantee System). Hệ thống này đã được Hiệp hội Hữu cơ Quốc tế (tại Ấn Độ) công nhận.

BNEWS: Do những nguyên nhân gì mà ít người tiêu dùng hiện nay có thể tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Và để cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đến với đông đảo người dân liệu có khả quan hay không?

Ông Đào Thế Anh: Nguyên nhân đầu tiên là điều kiện để chuyển từ sản xuất thông thường đang sản xuất hữu cơ đang còn khó khăn. Vì phần lớn đất nông nghiệp của nước ta đều đã sử dụng phân hóa học trong thời gian dài và các vùng đất đã sử dụng chất hóa học cần phải để không 3 năm để trở thành đất hữu cơ.

Thứ hai do giá thành cao nên các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chỉ tâp trung phục vụ các thành phố lớn. Nhưng diện tích để sản xuất rau hữu cơ hiện đang vẫn còn thiếu thốn, ở Hà Nội mới đang có hơn 100ha. Theo khảo sát, diện tích để cung ứng sản phẩm hữu cơ ra thị trường Hà Nội hiện đang không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

Việc đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đến với đông đảo người dân là hoàn toàn có thể thực hiện nhưng còn phụ thuộc vào chính sách nông nghiệp. Hiện nay, huyện Sóc Sơn đang là đơn vị đi đầu của Hà Nội trong việc thúc đẩy, khuyến khích bà con nông dân tham gia sản xuất hữu cơ.

BNEWS: Vâng, Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục